Bà Lương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Trung tâm Chiến lược và Quản lý dự án, đơn vị thực hiện dự án VPBank Startup, chia sẻ chiến lược của ngân hàng về việc giúp cộng đồng khởi nghiệp.
– Ý tưởng của dự án “triệu đô” này xuất phát từ đâu thưa bà?
– Năm 2016 được coi là năm “quốc gia khởi nghiệp” theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ. Lần lượt các thành phố lớn phát động những chương trình khởi nghiệp để thúc đẩy lĩnh vực này, đầu tiên là TP.HCM, rồi đến Hà Nội. Có thể thấy phong trào khởi nghiệp đang được thúc đẩy và phát triển rất mạnh. Dự án VPBank Startup được chúng tôi xác định là cơ hội, đồng thời cũng là trách nhiệm xã hội của ngân hàng để đóng góp vào việc hiện thực hóa mục tiêu chung.
– Dự án có mục tiêu định lượng về việc hỗ trợ bao nhiêu start-up không?
– Mục tiêu của VPBank Startup là chất lượng chứ không phải số lượng. Khi bắt tay vào làm, câu hỏi đầu tiên chúng tôi đặt ra là “Làm như thế nào?”. Kết quả, dự án đã xây dựng chương trình hành động rất cụ thể: xây dựng không gian làm việc chung, mở rộng mô hình đào tạo huấn luyện, đưa ra phương án hỗ trợ chi phí vận hành phù hợp cho start-up.
Các hoạt động này đều dựa trên nhu cầu thực sự từ cộng đồng khởi nghiệp, nhằm đem lại giá trị cho giới start-up nói riêng và xã hội nói chung. Từ trước khi chính thức công bố dự án, VPBank Startup tài trợ cho 7 start-up với nhiều lĩnh vực khác nhau.
VPBank Startup không lấy lợi nhuận làm mục tiêu khi đầu tư 1 triệu USD cho cộng đồng start-up.
– Nói như vậy có nghĩa là các start-up phải cạnh tranh để nhận hỗ trợ? Họ phải đạt các tiêu chí nào để có thể tham gia chương trình?
– Tạo sân chơi để các bạn cạnh tranh không phải là mục tiêu VPBank hướng tới. Chúng tôi lựa chọn các ý tưởng,sản phẩm thực sự có giá trị. Ai cũng có ước mơ và đắm đuối với nó. Nhưng ước mơ nào thực sự đem lại giá trị cho cộng đồng, chứng minh được tính thiết thực, khả thi thì chúng tôi mới lựa chọn để hỗ trợ.
Việc lựa chọn dựa trên 3 yếu tố cơ bản: có đóng góp tích cực cho đa số người dân Việt Nam; áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại, đúng xu thế và start-up cam kết đồng hành cùng VPbank đem lại giá trị tốt nhất cho cộng đồng. Trong giai đoạn tiếp theo của dự án, chúng tôi sẽ cân nhắc cả tiêu chí phù hợp với mục tiêu đồng hành cùng VPBank là ngân hàng của mọi nhà.
Về lĩnh vực ưu tiên thì dự án cũng có xu hướng chú trọng các start-up về fin-tech và truyền thông sáng tạo, vì đây cũng là các mảng dịch vụ gần với VPBank.
– Vậy VPBank đóng vai trò gì trong dự án là gì, nhà băng cho vay, nhà đầu tư?
– Điểm cốt lõi của chương trình là trách nhiệm cộng đồng của VPBank, không phải là lợi ích mà ngân hàng nhận về. Trong giai đoạn này, chúng tôi giữ vai trò tài trợ và hỗ trợ: tài trợ chỗ ngồi miễn phí ở không gian làm việc chung, hỗ trợ với hội đồng tư vấn của ngân hàng.
Với cách làm này, VPBank có tham vọng trở thành “lồng ấp, vườn ươm”, để ở đó từ “trứng thực sự nở thành con”, để các start-up không bị chết yểu. Trong vòng đời của start-up, có ít nhất có 2 giai đoạn thung lũng chết, chúng tôi muốn hỗ trợ để các bạn vượt qua các thung lũng chết này.
– Về mặt tài chính, trong dài hạn, VPBank có xem đây là khoản đầu tư khi hỗ trợ người trẻ với các ý tưởng kinh doanh tốt?
– Hiện nay khung pháp lý về đầu tư của Việt Nam chưa thực sự thuận lợi cho start-up cũng như các nhà đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư thiên thần. Với start-up, họ gặp nhiều khó khăn khi gọi vốn. Với nhà đầu tư, họ gặp nhiều vấn đề khi giải ngân.
Một đại diện ở quỹ CyberAgent chia sẻ tại một sự kiện về gọi vốn rằng, ở Việt Nam để nhận được tiền sau khi gọi vốn phải mất 8 tháng, trong khi Thái Lan là 2 tháng, còn Signapore là chưa tới 3 tuần. Dự thảo về luật đầu tư mạo hiểm cũng đã có nhưng biết bao giờ được thông qua và ban hành. Vì thế, với vai trò là nhà đầu tư thì VPBank đang chờ khung pháp lý.
Tuy nhiên, VPBank là một ngân hàng thương mại cổ phần nên đầu tư không phải là mảng kinh doanh cốt lõi ở cả hiện tại và tương lai. Nói cách khác, mục tiêu của chúng tôi khi hợp tác với start-up là không phải là lợi nhuận đầu tư.
Thay vào đó, sau khi qua giai đoạn hỗ trợ, ngân hàng và đơn vị start-up sẽ cùng song hành phát triển.
Không gian làm việc chung của VPBank Startup.
– Các lãnh đạo cao cấp của VPBank sẽ tham gia vào đội ngũ chuyên gia của dự án và trực tiếp huấn luyện cho các start-up. Nội dung cụ thể của chương trình là gì?
– Chương trình chỉ mới bắt đầu. Chúng tôi đã tập hợp được đội ngũ để tham gia huấn luyện với 7 thành viên trong 20 thành viên điều hành của VPBank. Họ ở các lĩnh vực nghiệp vụ khác nhau, có giám đốc khối kinh doanh, khối công nghệ thông tin, dịch vụ ngân hàng số… Nhóm chuyên gia đa ngành sẽ hỗ trợ các start-up ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo Zing