Hàng loạt quỹ ngoại đổ tiền vào các trung tâm tiếng Anh, bởi nhu cầu đầu tư học tập cho con cái của người Việt ngày càng tăng.
Mekong Capital vừa rót 4,9 triệu USD vào công ty cổ phần giáo dục Yola, giúp đơn vị này nâng cao sản phẩm và dịch vụ, xây dựng đội ngũ quản lý và giáo viên chuyên nghiệp, chi trả cho việc ra mắt các trường mới.
Mới đây, công ty cổ phần tư nhân EQT Capital Partners đã chi một khoản tiền cho nhóm chủ sở hữu trung tâm tiếng Anh ILA Việt Nam, song không tiết lộ giá trị đầu tư.
Cuối năm 2016, thương vụ mời thầu ILA Việt Nam của HPEF Capital Hồng Kông (trước đây là Headland Capital Partners) cùng với các cổ đông khác từ phía Việt Nam cũng thu hút sự quan tâm lớn từ các nhà thầu toàn cầu.
Thị trường giáo dục tiếng Anh ở Việt Nam đang thu hút sự quan tâm, đầu tư lớn từ nhiều quỹ nước ngoài
Một trung tâm tiếng Anh khác là công ty cổ phần Anh ngữ Quốc tế Mỹ (VUS) cũng nhận được khoản tài trợ 10 triệu USD từ Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC).
Với sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây, sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại các đô thị lớn của Việt Nam, cùng nhu cầu cho con cái du học của nhiều gia đình, chi cho giáo dục cũng gia tăng nhanh chóng.
Theo công ty tư vấn Dezan Shira & Associates, lĩnh vực giáo dục của Việt Nam rất hấp dẫn vốn FDI do 42,1% dân số có độ tuổi dưới 24. Năm ngoái, ước tính chi phí cho con cái học tập ở nước ngoài của các gia đình Việt Nam đã đạt 3 tỷ USD. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết gần 30% hộ gia đình Việt Nam cho con tham gia các khóa học tư nhân, đặc biệt là các lớp kỹ năng và ngoại ngữ.
Trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn các quỹ đầu tư quốc tế trong lĩnh vực giáo dục tiếng Anh, nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng rất nhanh nhạy tiếp cận và hoạt động tích cực trong các dự án trung tâm dạy tiếng Anh khác.
Phương Nguyên (DealstreetAsia)