Bất cứ ai cũng có thể tự tạo website dạy học mà không cần biết lập trình, qua ứng dụng công nghệ của cựu sinh viên Bách Khoa.
Khởi nghiệp ở lĩnh vực giáo dục với ứng dụng phát âm tiếng Anh và trung tâm tiếng Anh trực tuyến, CEO Hoàng Tân nhận ra một điều, phần lớn các startup về giáo dục hiện nay đều khó khăn và loay hoay với điểm chung là chỉ tập trung vào học viên.
Một điều khác nữa Tân rút ra là khi đánh giá về khóa học, các học viên đều khen giáo viên trước tiên. Như vậy, người dạy chính là yếu tố tiên quyết thu hút người học. Ở startup công nghệ thứ 3 về giáo dục, anh đã thay đổi cách tiếp cận, chuyển sang hỗ trợ các giáo viên. Từ đó, Hachium – nền tảng tự tạo website dạy học dành cho giáo viên đầu tiên ở Việt Nam ra đời.
Nền tảng Hachium cho phép bất cứ người dạy học nào cũng có thể tạo website trường học trực tuyến của riêng mình Ảnh: Hachium
Bắt đầu vận hành từ tháng 4/2017, đến nay, ứng dụng đã có 5 khách hàng tạo trường (trả tiền) và 16 khách hàng đang dùng thử. Tổng số học viên của các trường online là hơn 4.000 người.
CEO Hoàng Tân cho biết, đây là nền tảng tạo website dạy học trực tuyến nhanh gọn, đơn giản và tích hợp nhiều tính năng phù hợp với hoạt động giảng dạy, thanh toán trên môi trường Internet. Bất cứ ai cũng có thể tự tạo website dạy học, chia sẻ kiến thức mà không cần phải biết lập trình.
Bên cạnh các mẫu trường học có sẵn trong hệ thống, Hachium cũng cho phép người dùng được tùy chỉnh giao diện để “cá nhân hóa” trường học của mình như thay đổi màu sắc, phông chữ, hình nền… Người dạy có thể đăng tải bài giảng với nhiều định dạng video, âm thanh, PDF, quiz… Ứng dụng hỗ trợ đến các phương thức thanh toán online, quản lý doanh thu, công nghệ bảo mật thông tin, tính năng chống download bài giảng…
Nền tảng này giúp cho người dạy được làm chủ thông qua việc cung cấp công cụ quản lý và dạy học chứ không can thiệp và định hướng giảng dạy. Ứng dụng có thể đáp ứng được yêu cầu về các tính năng mà người dạy muốn đưa thêm vào bằng việc nghiên cứu yêu cầu đó và lập trình thêm, không đóng khung cứng nhắc các tính năng
Hoàng Tân nhận định nếu không phải lo lắng về bất cứ vấn đề công nghệ – kỹ thuật, marketing, quản lý doanh thu, người dạy sẽ được giải phóng tối đa, chỉ cần tập trung vào chất lượng bài giảng, từ đó, mỗi học viên sẽ lĩnh hội trọn vẹn kiến thức.
Nhìn lại quá trình khởi nghiệp, Tân chia sẻ không cảm thấy hối hận vì những lần từ bỏ dự án đang dang dở để theo đuổi phương thức mới nhằm cụ thể hóa mơ ước của chính mình.
Trước đó, khi tốt nghiệp ngành Công nghệ phần mềm tại Đại học Bách Khoa tháng 7/2013, Hoàng Tân đã có khởi đầu khá thuận lợi khi đồ án Simicart.com – nền tảng giúp các chủ shop tự tạo ứng dụng di động bán hàng chỉ trong vài phút được một công ty cấp vốn và nhân sự để phát triển.
Tháng 5/2014, Tân và Simicart được công ty cử sang Singapore dự hội nghị khởi nghiệp châu Á (Startup Asia). Tại đây, nhận thức sâu sắc hạn chế về tiếng Anh khiến bản thân đánh mất nhiều cơ hội khi không thể hiểu các diễn giả đang nói gì, giao lưu với bạn bè quốc tế, đối tác, giới thiệu về sản phẩm…,Tân ấp ủ dự án khởi nghiệp giáo dục tiếng Anh với mong muốn giúp chính mình và mọi người nâng cao trình độ ngoại ngữ.
Tháng 1/2015, anh tung ra Uspell – ứng dụng dạy phát âm với công nghệ nhận dạng giọng nói trên iPhone. Tuy nhiên, nếu chỉ luyện phát âm mà không thực hành nghe nói cũng không hiệu quả. Vì vậy, chỉ 2 tháng sau, Hoàng Tân làm tiếp sản phẩm Enkulu – trường học tiếng Anh trực tuyến.
Cho tới nay, ứng dụng phát âm Uspell vẫn cho doanh thu đều đặn hàng tháng khoảng 8 triệu đồng không nhờ quảng cáo, còn dự án khởi nghiệp Simicart tạo ra doanh thu khoảng 20.000 USD một tháng.
Theo VnExpress