Zhang Xin từ tay trắng trở thành người phụ nữ quyền lực trong ngành bất động sản Trung Quốc, sở hữu khối tài sản tỷ USD.
Cùng với chồng là Pan Shiyi, Zhang Xin có giá trị tài sản ước tính khoản 3,3 tỷ USD, thường được vinh danh trong top những nữ doanh nhân thành đạt nhất thế giới. Công ty bất động sản của bà nổi tiếng với những công trình sắc màu hóa thủ đô Bắc Kinh.
Zhang Xin sinh ra vào thập niên 1960 tại Bắc Kinh, với những tòa nhà màu xám, bầu trời xám xịt và người dân cũng diện trang phục có phần u tối. “Bão cát đến vào mùa xuân và lúc đó cả bầu trời sẽ chỉ toàn là màu xám”, bà nhớ lại. Zhang Xin cùng mẹ phải tìm đến vùng quê để làm công nhân, trong khi cha và anh trai ở lại Bắc Kinh làm việc kiếm tiền.
Bức tranh đó hoàn toàn đối lập với một thủ đô hiện đại hiện nay ở Trung Quốc. Nơi đó là tổng hòa của những tòa nhà chọc trời với ánh sáng và màu sắc lung linh. Một phần tạo nên khung cảnh mới mẻ này chính là nhờ công ty SOHO China của Zhang Xin. Cùng với chồng, bà lập công ty vào năm 1995. Ở đó chồng là chủ tịch, vợ là CEO. Cùng với nhau, họ sở hữu nhiều dự án kinh doanh. Được mệnh danh “người phụ nữ xây nên Bắc Kinh”, bà cũng nổi tiếng khi làm việc với những kiến trúc sư nổi danh thế giới tạo nên những tòa nhà chọc trời độc đáo.
Những điều này chưa từng có trong tưởng tượng của cô bé Zhang năm 15 tuổi. Thời điểm ấy, bà cùng gia đình chuyển sang Hong Kong – một thế giới của những ánh đèn, sự sôi động và đầy sắc màu. Ở miền đất mới, gia đình họ không biết cách nào để tồn tại ngoài việc làm bất cứ công việc nào có thể để mưu sinh. Suốt 5 năm, Zhang làm việc trong các nhà máy và di chuyển khắp nơi để kiếm thêm tiền.
Chuyển đến Hong Kong, Zhang đứng trước cơ hội có thể sang Anh du học. Tuy nhiên, bà không chỉ không quen biết ai mà còn không biết nói tiếng Anh. Để nuôi dưỡng giấc mơ học tập và thoát khỏi kiếp sống cơ cực của một công nhân, bà quyết định đánh cược để tìm đến một nơi được ví là “hành tinh mới”. Nữ doanh nhân vẫn nhớ đêm đầu tiên ở trời Âu, bà ngồi trên chiếc vali với những giọt nước mắt tuôn trào bởi “tôi thật sự cảm thấy sợ hãi”.
Để kiếm tiền theo đuổi giấc mơ, bà xin làm nhân viên tại cửa hàng của một đôi vợ chồng đồng hương. Với vốn tiếng Anh ít ỏi của mình, bà chỉ nói được vài từ cơ bản để bán hàng. Bà thường giải trí bằng các chương trình trên tivi với các màn tranh luận của Thủ tướng Anh Margaret Thatcher. “Tôi nhớ rất rõ là mình hoàn toàn bị ấn tượng và tự hỏi làm cách nào mà bà ấy có thể nói chuyện hay đến thế khi tranh luận với hàng trăm người đàn ông xung quanh. Bà ấy thật dũng cảm và tuyệt vời”. Kể từ đó, nữ thủ tướng trở thành hình mẫu của cuộc đời Zhang.
Zhang Xin – tỷ phú bất động sản Trung Quốc.
Bằng nỗ lực, người phụ nữ Trung Quốc giành được học bổng để có trong tay hai tấm bằng. Một là cử nhân kinh tế tại Sussex University và thạc sĩ phát triển kinh tế tại Cambridge. Sau khi ra trường, bà gia nhập Goldman Sachs ở London trước khi chuyển công tác sang Hong Kong và New York. Sau khi giúp nhiều công ty Trung Quốc bước đi xa hơn, có một điều gì đó thôi thúc khiến bà muốn trở lai quê hương. Lực đẩy cuối cùng chính là khi bà gặp chồng – ông Pan Shiyi lúc đó là một nhà phát triển bất động sản.
Họ gặp rồi yêu nhau. Hai người có một cuộc tình lãng mạn. Chỉ bốn ngày sau ông Pan nói: “Em nên làm vợ của anh”. Cả hai quyết định kết hôn. Nhưng tình yêu của họ không hoàn toàn êm đềm. Bà Zhang và ông Pan cùng xây dựng sự nghiệp nhưng bất đồng trong quan điểm kinh doanh. “Giá trị chúng tôi hướng đến khác nhau. Mọi thứ đều tồi tệ cả về mặt đối tác lẫn hôn nhân”, bà kể.
Sau những cuộc tranh cãi trường kỳ suốt 2-3 năm, Zhang quyết định sang Anh để suy nghĩ lại về cuộc sống của mình. Bà dành thời gian với mấy người bạn. Bà vẫn còn nhớ buổi sáng dạo bộ tại một vùng thôn quê nước Anh, suy nghĩ liên tục trong đầu bà là: “Tôi có thật sự muốn cuộc hôn nhân này hay sự nghiệp kinh doanh kia? Liệu tôi vẫn muốn sống ở Trung Quốc?”
Cuối cùng, bà nhận ra mình thật sự muốn níu giữ cuộc hôn nhân với ông Pan. Bà quay lại Trung Quốc và nói với chồng: “Em sẽ dừng công việc. Anh hãy tiến về phía trước và làm công việc của anh. Em sẽ chỉ ở nhà, là một bà nội trợ và sau này sẽ chăm sóc các con”.
Tuy nhiên, được một thời gian thì công việc ngày càng quá tải khiến Zhang phải trở lại để giúp chồng. Bà nhận ra sự nhạy cảm của bản thân rất thích hợp trong thiết kế sản phẩm và các tòa nhà. Trong khi đó, điểm mạnh của ông Pan là xây dựng. Họ muốn làm những công trình có thể bán hoặc cho thuê. Con đường bất động sản khởi đầu như thế.
Zhang tạo dựng được tên tuổi với Commune by the Great Wall, khu biệt thự mà hiện nay đã trở thành khách sạn, nằm ở thung lũng cạnh bên Vạn Lý Trường Thành, cách Bắc Kinh 70km về phía Bắc. Dự án được thiết kế bởi 12 kiến trúc sư châu Á và mang về cho Zhang giải thưởng Bảo trợ kiến trúc tại triển lãm Venice Biennale năm 2002.
“Trước đó tôi đã xây dựng rất nhiều tòa nhà. Nhưng Commune thực sự là định danh cho đam mê kiến trúc của tôi. Lần đầu đặt chân đến thung lũng này, tôi đã nghĩ đây là điểm lý tưởng để mời gọi các kiến trúc sư – những người muốn hiện thực hóa những thiết kế trong trí tưởng tượng của họ”, bà giải thích.
Zhang lập tức gửi thư đến 12 kiến trúc sư đang nổi từ Nhật, Thái Lan, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và Trung Quốc. Vài người trong số đó còn chưa từng đặt chân tới Trung Quốc. Bà chỉ đưa ra thông điệp ngắn gọn: “Các bạn cứ thiết kế mọi thứ bạn muốn. Nhiệm vụ của tôi chỉ là xây nên chúng”.
Kengo Kuma – kiến trúc sư người Nhật gợi ý nên dùng tre. Ông cho rằng nên chọn vật liệu không cần đòi hỏi phương pháp xây dựng quá nghiêm ngặt. Tre là nguyên liệu tự nhiên nên nếu chúng có không thẳng một chút cũng không thành vấn đề. Ngôi nhà với những bức tường tre của Kuma có 6 phòng ngủ, một phòng thưởng trà, một căn bếp mở và phòng ăn. Nơi này được giới thiệu là địa điểm lý tưởng cho những buổi họp mặt.
Trong khi đó, See and Seen House là tác phẩm của kiến trúc sư Trung Quốc Cui Kai. Tổng thể kiến trúc được hình thành từ thép và thủy tinh. Phòng tắm có tầm nhìn hướng thẳng ra những ngọn núi thông qua cửa kính, 10 phòng ăn riêng tư và các khu vườn.
SOHO New Town cũng là một trong các dự án đầu tiên của bà Zhang. Đây là khu dân cư và thương mại nằm ở phía Đông Trung tâm Thương mại Trung Quốc ở Bắc Kinh. Bên cạnh đó, thành quả phải kể đến của bà còn có khu phức hợp Jianwai SOHO với 20 tòa tháp cao tầng, những khu vườn trên không và ba biệt thự, lần đầu được giới thiệu vào 2003.
Zhang Xin cùng chồng Pan Shiyi. Ảnh: South China Morning Post.
Trong khi 2002 là năm nhiều gặt hái với Zhang, đến 2003 bà phải đối diện với nhiều thách thức hơn nữa. “Tôi từng thất bại rất nhiều. Đó không phải con đường luôn trải đầy ánh nắng mà còn là rất nhiều những ngày mưa âm u”, nữ doanh nhân mô tả.
Thất bại đầu tiên đến vào 2003, lúc bà muốn đưa công ty lên sàn. Tuy nhiên, đó là thời điểm Trung Quốc còn rất mới mẻ, các nhà đầu tư ở phố Wall không biết cách nào để thâm nhập, phân tích một nhà phát triển bất động sản có một mô hình rất khác so với thế giới như SOHO China.
Phải mất đến 4 năm, phố Wall mới sẵn sàng. Doanh nghiệp huy động số tiền 1,9 tỷ USD khi lên sàn vào 2007. Hoạt động cũng giúp vợ chồng Zhang trở thành tỷ phú với tài sản 4 tỷ USD, sau đúng 12 năm thành lập SOHO từ 1995.
Năm 2012, SOHO China thông báo chuyển đổi hình thức kinh doanh từ “xây dựng – bán” thành “xây dựng – cho thuê”, tận dụng nhu cầu tăng cao về văn phòng tại Bắc Kinh và Thượng Hải, hướng tới duy trì một dòng tiền ổn định hơn. Theo báo cáo hằng năm của công ty, chiến lược này đã mang đến kết quả mảng doanh thu cho thuê năm 2016 là 1.511 triệu Nhân dân tệ (tương đương 225 triệu USD).
Zhang đưa nhà thiết kế Andreas Thomczyk một tóm tắt 3 từ cho dự án không gian làm việc chung mà bà sáng lập năm 2015 mang tên SOHO 3Q: hợp thời, ấm áp và dễ chịu. Đến tháng 12/2016, tỷ lệ sử dụng của 17 trung tâm là 85% và gấp hai lần kể từ ngày ra mắt.
Ngoài Trung Quốc, gia đình của Zhang cũng đầu tư tại New York với việc mua cổ phiếu Park Avenue Plaza với giá trị 600 triệu USD năm 2011. Họ cũng gia nhập một tập đoàn đầu tư vào tòa General Motors năm 2013. Bà muốn mở rộng quy mô ra khỏi thị trường trong nước và “xây dựng khắp thế giới”.
Bà Zhang cũng dành nhiều tâm huyết cho lĩnh vực giáo dục và từ thiện. Năm 2014, bà ra mắt quỹ học bổng SOHO China với nguồn quỹ 100 triệu USD trợ cấp cho các sinh viên Trung Quốc đến những đại học danh tiếng thế giới như Yale hay Harvard.
Khi được hỏi về lời khuyên dành cho giới trẻ, bà nói rất đơn giản là: “Hãy chỉ cần làm điều mà bạn muốn. Nếu muốn trở thành cầu thủ đóng đá, hãy đi đá bóng. Muốn làm một nghệ sĩ, hãy cứ đi con đường của bạn. Bạn chỉ có thể làm tốt nếu bạn thật sự muốn thực hiện điều đó. Tôi nghĩ đó chính là nguyên tắc dẫn lối cho cuộc đời tôi”.
20 năm chinh chiến trong ngành bất động sản, đến nay nữ doanh nhân 6x vẫn thường đích thân giám sát các công trình xây dựng. Bà thường làm những việc cỏn con như nhắc nhở nhân viên về chiếc ghế đã đặt sai vị trí. “Tôi luôn nhìn thấy các vấn đề, điều này có thể khiến các nhân viên không thoải mái. Nhưng tôi nghĩ đó mới chính là vai trò của tôi: Người bảo vệ những tiêu chuẩn và luôn hướng đến việc làm tốt nhất”.
Theo VnExpress