Việc tìm kiếm nguồn vốn cho những dự án nông nghiệp vẫn đang là thách thức bởi chưa có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực này.
Những cầu nối
Bà Thục An, Giám đốc đối ngoại Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), cho biết hàng năm cuộc thi Startup Wheel do BSSC tổ chức có hàng ngàn dự án tham dự, trong đó các dự án liên quan đến nông nghiệp, công nghệ cho nông nghiệp tăng dần qua mỗi năm. Điển hình như cuộc thi startup Wheel năm nay số lượng dự án trong ngành nông nghiệp đã chiếm tới 46%.
“Khi triển khai startup Wheel chúng tôi nhận thấy nhiều DN nông nghiệp yêu cầu phải tối ưu hóa quy trình để đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra, còn các startup công nghệ nông nghiệp loay hoay bài toán thuyết phục thử nghiệm và mua giải pháp. Vì thế BSSC đã phối hợp với Câu lạc bộ DN nông nghiệp công nghệ cao và Diễn đàn Kinh tế tư nhân tổ chức những chương trình business matching – kết nối giao thương giữa startup công nghệ nông nghiệp và DN” – bà Thục An chia sẻ.
Thu hoạch rau xà-lách tại mô hình “Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Vốn vẫn là bài toàn khó đối với những dự án khởi nghiệp nông nghiệp.
Chương trình đầu tiên đã diễn ra vào tháng 10 vừa qua với sự tham dự của 10 DN nông nghiệp và 15 startup công nghệ. Kết quả khá khả quan khi kết nối được 10 cặp DN – startup cùng tìm hiểu, trong đó các startup có 2 tuần “ăn, nằm, ngủ” trong DN tìm hiểu hoạt động DN để có thể triển khai ứng dụng công nghệ hiệu quả.
“Chương trình kết nối của chúng tôi vẫn đang diễn ra nên bất cứ startup công nghệ nào muốn kết nối cứ liên hệ” – bà Thục An cam kết.
Một đơn vị cũng dành đến 80% sự hỗ trợ cho các dự án liên quan đến nông nghiệp là Quỹ Khởi nghiệp DN khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF). Ông Lê Minh Nhựt, Giám đốc vận hành SVF, cho biết trong quá trình hỗ trợ các dự án nông nghiệp, quỹ đã đi về các địa phương, kết nối để cùng hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp.
Vừa qua SVF đã ký kết hợp tác với tỉnh Đồng Tháp giới thiệu sự hỗ trợ của các nhà đầu tư thiên thần, đội ngũ cố vấn và cả các nguồn quỹ ngoại. Đây là hoạt động có vai trò như những mắt xích hỗ trợ những dự án startup tại Đồng Tháp đang cần như vấn đề về vốn, định hướng và làm thị trường.
Mới đây nhất, chương trình tìm kiếm công nghệ và doanh nhân khởi nghiệp góp phần chuyển đổi nông nghiệp vùng Mekong có tên gọi “Thách thức công nghệ nông nghiệp vùng Mekong – MATCh” đem đến sân chơi cho các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ và các công nghệ dành cho nông nghiệp. MATCh gồm 2 chương trình: Tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo trong nông nghiệp dành cho các startup trong nông nghiệp tại Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam; tăng tốc tiếp cận thị trường dành cho các DN công nghệ nông nghiệp trên toàn thế giới mong muốn mở rộng thị trường sang 4 nước trên.
Chương trình tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo trong nông nghiệp sẽ hỗ trợ các startup phát triển sản phẩm; liên kết và học hỏi từ những chuyên gia trong ngành; trình bày, giới thiệu giải pháp; tiếp cận thị trường và nguồn vốn. Chương trình hướng đến các startup công nghệ nông nghiệp và các startup trong nông nghiệp truyền thống với mô hình kinh doanh mới, có khả năng tăng trưởng cao.
Ông Phan Quang Vinh, Phó Giám đốc sáng kiến hỗ trợ khu vực tư nhân vùng Mekong (MBI), cho biết đầu tư cho nông nghiệp hiện nay vẫn còn nhỏ bé trong khi nhu cầu lương thực lại đang tăng cao. MATCh hy vọng sẽ mang đến các giải pháp, tiềm năng, cơ hội cho ngành nông nghiệp.
Thách thức chuỗi liên kết
Việc tham gia lĩnh vực nông nghiệp không chỉ khó khăn trong tìm kiếm nhà đầu tư, nguồn vốn, mà còn đối diện nhiều thách thức khi tìm một chuỗi giá trị có tính liên kết cao. Về kinh nghiệm của cá nhân trong việc chọn con đường làm hoa tươi xuất khẩu, chị Minh Thùy kể dù đã tìm được những đối tác lớn ở nước ngoài nhưng lại rất khó tìm được đối tác trong nước đáng tin cậy để thực hiện dự án. Như việc lần đầu kết hợp với một số nông trại họ đã lấy hoa của chị đi bán ở ngoài.
Bên cạnh đó, là một DN nhỏ chị không thể trực tiếp nhập các giống hoa từ các DN lớn trên thế giới mà phải nhập theo đường xách tay, do đó khi làm giấy tờ xuất khẩu lại không rõ nguồn gốc, giá thành bị đội lên nhiều.
Cũng nói về câu chuyện chuỗi liên kết trong nông nghiệp, ông Ưng Thế Lãm, người có nhiều năm gắn với nông nghiệp công nghệ cao, nhìn nhận khi làm việc với đối tác nước ngoài để giới thiệu một số nông sản họ rất thích, nhưng khi họ đặt vấn đề cung cấp số lượng lớn DN lại không đủ nguồn cung. “Chúng tôi rất cần có những đơn vị thống kê mùa vụ, sản lượng mặt hàng nông sản trong năm để DN có đầu ra có thể nắm được khả năng đáp ứng nhu cầu các đối tác” – ông Lãm đề xuất.
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo TPHCM (SIHUB), cũng chia sẻ câu chuyện về chuỗi liên kết cho củ hành tây xuất khẩu. Theo đó, một dự án đã ký kết để xuất khẩu hành tây sang Nhật Bản. Do các giống hành tây Việt Nam không đạt yêu cầu, phía Nhật Bản đã chuyển giống hành tây cho Việt Nam trồng. Nhưng do thiếu liên kết giữa vùng trồng, chế biến, làm thị trường nên đến nay đơn hàng đó vẫn chưa thể xuất khẩu. “Điều này đòi hỏi khi khởi nghiệp mỗi người phải nhìn vào thị trường, chuỗi giá trị ngành mình đang làm tới đâu, nên tham gia công đoạn nào…” – ông Tước chia sẻ.
Thực tế trên cho thấy việc tham gia lĩnh vực nông nghiệp, nhất là ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao hay các sản phẩm công nghệ cho nông nghiệp, vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức. Mặc dù có nhiều cầu nối nhưng mỗi startup cũng phải nỗ lực tìm hướng đi cho mình.
Theo Sài Gòn Đầu Tư