Hội sách Hà Nội năm nay có nhiều hoạt động liên quan chủ đề khởi nghiệp. Ðến với Hội sách, độc giả không những được tiếp cận những cuốn sách giới thiệu kinh nghiệm làm giàu, sáng tạo của người nổi tiếng, mà còn được giao lưu, trò chuyện với nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực. Hội sách là “đòn bẩy” kích thích tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ, cũng như phát triển văn hóa đọc.
Với chủ đề “Sách và khởi nghiệp”, Hội sách Hà Nội 2017 có nhiều hoạt động. Trong đó, tọa đàm “Tư duy và công cụ khởi nghiệp – Rút ngắn khoảng cách học một đằng làm một nẻo” nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả. Chúng ta đang hướng đến một xã hội khởi nghiệp, rộng hơn nữa là một quốc gia khởi nghiệp. Nhưng khởi nghiệp nên bắt đầu từ đâu, khởi nghiệp như thế nào vẫn là câu hỏi khó với nhiều bạn trẻ. Với sự hiện diện của thạc sĩ Nguyễn Ðặng Tuấn Minh, tác giả cuốn “Tư duy và công cụ khởi nghiệp”, những người tham gia được cung cấp nền tảng về khởi nghiệp. Thạc sĩ Nguyễn Ðặng Tuấn Minh từng có tám tháng làm việc với các chuyên gia công nghệ của Thung lũng Si-li-côn (Mỹ), nghiên cứu về khởi nghiệp ở các nước, bà cũng đã lăn lộn cùng 500 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam để tìm hiểu, phân tích những thành công, thất bại của họ. Bà kể, trong buổi đầu tiên làm việc, các chuyên gia của Thung lũng Si-li-côn đã ra “đề bài”: Hãy dựng một kim tự tháp bằng giấy càng cao càng tốt. Cả nhóm loay hoay cố dựng một kim tự tháp cao nhất có thể. Nhưng chỉ cần bật quạt trong căn phòng, kim tự tháp giấy đã tan tành. Trong số đó, một người dựng một kim tự tháp nhỏ lại đứng vững. Bài học đầu tiên thạc sĩ Nguyễn Ðặng Tuấn Minh mang đến là “khởi nghiệp tinh gọn”, không nên mất công vào những việc vô ích. Một bài học khác được thạc sĩ Nguyễn Ðặng Tuấn Minh và diễn giả Nguyễn Hoàng Giang (Bộ Khoa học và Công nghệ) đem đến chính là… khai tử cho những khởi nghiệp. Việc khai tử không có nghĩa là thất bại. Trong nhiều trường hợp, khai tử doanh nghiệp khởi nghiệp vừa tiết kiệm thời gian, công sức, vừa giúp cho người khởi nghiệp có những bài học quý. Hai diễn giả cũng giúp độc giả làm rõ sự khác nhau giữa khởi nghiệp sáng tạo (start-up) và khởi sự kinh doanh theo mô hình truyền thống. Trong đó, khởi nghiệp sáng tạo luôn có sự tham gia của yếu tố công nghệ, khả năng nhân rộng mô hình. Diễn giả Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, các bạn trẻ không nên quá băn khoăn với câu hỏi mình học cái này để làm gì. Chẳng hạn trong trường đại học, các bạn phải làm những bài toán tích phân mà ra trường rất hiếm khi dùng. Song, chính những bài toán này giúp chúng ta phát triển tư duy giải quyết vấn đề…
Hội sách Hà Nội năm nay diễn ra tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long từ ngày 22 đến 26-9, thu hút hàng chục nghìn khách tham quan. Với 155 gian hàng trưng bày, giới thiệu sách, trong đó tâm điểm là gian trưng bày “Sách và khởi nghiệp” được thiết kế trang trọng, bố trí ở vị trí trung tâm, giới thiệu hàng trăm cuốn sách giá trị về khởi nghiệp, từ khởi nghiệp của cá nhân, của doanh nghiệp, cho đến khởi nghiệp quốc gia. Các cuộc giao lưu, tọa đàm khác như: “Khởi nghiệp công nghệ 4.0”, “Phụ nữ và khởi nghiệp”… đều thu hút đông đảo độc giả. Hội sách Hà Nội vừa là nơi giới thiệu nguồn sách về khởi nghiệp tin cậy, vừa là nơi cung cấp nhiều kinh nghiệm, kỹ năng sống cho nhiều đối tượng, nhất là giới trẻ có mong muốn khởi nghiệp. Nguyễn Thu Hà mới tốt nghiệp Trường đại học Phương Ðông cho biết: “Khởi nghiệp là điều rất mới mẻ với chúng em. Những cuốn sách viết về kinh nghiệm khởi nghiệp của người nổi tiếng cho độc giả nhiều bài học. Song, được giao lưu với nhiều chuyên gia, các khái niệm được làm rõ, giúp chúng em tự tin hơn. Có thể trong thời gian tới, em sẽ kết hợp một số bạn bè thực hiện dự án khởi nghiệp cho chính mình”.
Hội sách có các hoạt động khuyến khích văn hóa đọc và tinh thần học tập, như giao lưu với tác giả Kim Thành, người viết cuốn sách “Dạy con tự học”; trò chuyện với tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, nhà văn Hồ Thị Hải Âu về chủ đề “Cùng nhau đọc sách”; tọa đàm “Những cuốn sách làm thay đổi đời tôi” với các thành viên của Câu lạc bộ đọc sách Nhã Nam… Anh Nguyễn Tuấn Anh ở phố Tôn Ðức Thắng (quận Ðống Ða) chia sẻ: “Nhân ngày nghỉ, tôi đưa cả gia đình đến hội sách. Mọi người trong gia đình đều chọn được cuốn sách ưng ý. Các cuộc tọa đàm, trao đổi hết sức bổ ích, giúp chúng tôi có thêm những kinh nghiệm quý trong việc nuôi dạy con cái”.
Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiết thực, nhằm phát triển văn hóa đọc. Nổi bật là các hội sách được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế thiếu nhi, Ngày giải phóng Thủ đô, hay gần đây là sự ra đời Phố Sách tại phố 19-12 (quận Hoàn Kiếm)… Mỗi hội sách đều lựa chọn những chủ đề phù hợp từng thời điểm. Qua những hoạt động như thế, văn hóa đọc được ươm mầm, nâng cao, thiết thực góp phần xây dựng văn hóa, con người Thủ đô.
Theo Nhân Dân