Các đại biểu tại Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017 cho rằng sự xuất hiện của các loại hình kinh doanh phi truyền thống là điều tất yếu và nhà nước cần có tư duy thích ứng.
Tại Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017 diễn ra ở TP.HCM ngày 12/9, các đại biểu cho rằng Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành “điểm đến khởi nghiệp” trong khu vực bất chấp nhiều sự canh tranh từ bên ngoài. Dù vậy, một hệ sinh thái khởi nghiệp năng động, sáng tạo đòi hỏi tư duy năng động ngay từ những nhà hoạch định chính sách.
“Nhà nước phải thay đổi tư duy”
Trao đổi với báo chí bên lề diễn đàn, ông Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nói rằng tốc độ xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam còn chậm.
“Chính phủ đã nỗ lực, điển hình là việc ban hành nghị quyết 35 về hỗ trợ khởi nghiệp. Dù vậy, muốn hỗ trợ khởi nghiệp, trước hết chúng ta phải thay đổi nhận thức về quản lý nhà nước. Ở một số nước, người ta đã thay đổi cách quản lý, ví dụ lập ra một bộ riêng quản lý các vấn đề “digital” (kỹ thuật số)”, ông Lịch nói.
Ông Trần Du Lịch.
Ông lấy ví dụ kỹ thuật số không chỉ được áp dụng trong các ngành công nghệ thông tin mà tất cả các ngành nghề. “Đơn cử, để quản lý Uber, chúng ta có Bộ Giao thông – Vận tải, nhưng bộ này không thể giải quyết các vấn đề của thời đại kỹ thuật số được”.
“Khởi nghiệp phải xuất phát từ sáng tạo. Tạo môi trường cho khởi nghiệp là tạo môi trường cho mọi tư duy sáng tạo được phát triển, mà sáng tạo thì chúng ta không thể tiên liệu trước các điều kiện. Nếu chúng ta đặt trước một cái khung thì không thể có sáng tạo”, theo ông Trần Du Lịch.
Tạo môi trường cho doanh nghiệp
Tương tự ông Lịch, Tổng Thư ký của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Thị Thu Hằng cũng dẫn trường hợp quản lý Uber, cụ thể ở đây là trường hợp của Trung Quốc Đài Bắc (Đài Loan). Tại đây, thay vì thảo luận “làm sao đối phó với Uber”, chính quyền xem xét “tạo chỗ cho Uber làm ăn”.
“Khi khuyến khích khởi nghiệp, chúng ta kêu gọi các doanh nghiệp đổi mới cách kinh doanh, suy nghĩ hướng đi mới thì khi hoạch định chính sách, Nhà nước cũng tìm cách tư duy mới”, bà Hằng cho biết.
“Những hình thức kinh doanh (như Uber) là cách kinh doanh phi truyền thống. Để ứng xử với các ngành nghề phi truyền thống, chúng ta cần tư duy phi truyền thống. Sự xuất hiện các ngành nghề mới là tất yếu, chúng ta cần xem trong cách làm chính sách làm sao tạo thuận lợi. Chúng ta cần hiểu về nó, tìm cách nào đó để tạo thuận lợi hơn cho nó phát triển, để các ngành truyền thống và phi truyền thống cạnh tranh với nhau bình đẳng nhất”, bà Hằng nói với PV.
“Không chỉ Uber, nhiều ngành nghề khác của chúng ta cũng đang sử dụng công nghệ cao, như du lịch hoặc nông nghiệp. Agoda không hề sở hữu một khách sạn nào nhưng vẫn kinh doanh tốt trong ngành du lịch. Chúng ta cần cách thức quản lý cho những hình thức kinh doanh như vậy, từ đó hoàn thiện môi trường cho khởi nghiệp”, theo tổng thư ký VCCI.
Các diễn giả trong phiên toàn thể của Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017
Việt Nam thành địa chỉ khởi nghiệp
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết Việt Nam hướng đến trở thành một quốc gia và địa chỉ khởi nghiệp.
Việt Nam phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp và quan trọng hơn, các doanh nghiệp phải mạnh, đủ sức cung cấp sản phẩm thương hiệu Việt, vươn ra thị trường khu vực và toàn cầu. Chất lượng và sức khỏe doanh nghiệp cần được gia tăng, chú trọng các doanh nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, thương mại hóa, khai thác mô hình kinh doanh mới.
Ông Tùng cho biết tinh thần khởi nghiệp đã được hình thành mạnh mẽ tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Trong 3 năm qua, thanh niên Việt Nam, đặc biệt những người tốt nghiệp đại học, đã bắt đầu có ý tưởng khởi nghiệp, có mong muốn lập doanh nghiệp riêng cho mình.
Trao đổi với PV, bà Phạm Thị Thu Hằng cho rằng lợi thế so sánh của Việt Nam trên đường trở thành “điểm đến khởi nghiệp” là việc chúng ta có một thị trưởng lớn và đang tăng trưởng mạnh và cộng đồng khởi nghiệp đang ở thời kỳ “dân số vàng”.
“Với tinh thần dám nghĩ dám làm, các bạn trẻ Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra một cộng đồng khởi nghiệp”.
“Ngoài ra, ở đây tôi muốn nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương, những người đang rất tích cực xây dựng cộng đồng khởi nghiệp ở tỉnh thành của họ. Rất nhiều lãnh đạo tỉnh như Huế, An Giang, Ninh Thuận… đã đến đây và tham dự tất cả các phiên của diễn đàn này”, bà Hằng cho biết.
Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017 là sáng kiến của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI). Các ý kiến được đề xuất và chia sẻ trong diễn đàn sẽ được xem xét tại Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp vừa và nhỏ APEC lần thứ 24 sẽ diễn ra vào ngày 15/9.
Theo Zing.