Nhóm bạn trẻ khởi nghiệp làm việc tại không gian của BKHUP Coworking Space (Hà Nội). Ảnh: Minh Hà
Hiện nay, hoạt động khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, chưa có tính hệ thống và chưa chú trọng trang bị kiến thức cho người khởi nghiệp. Để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, cần hình thành một tinh thần khởi nghiệp cho giới trẻ ngay từ trong nhà trường và có những cơ chế chính sách nhất quán, đồng bộ từ Chính phủ.
hằm tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, ngày 18-5-2016, Chính phủ ra Quyết định số 844/QÐ-TTg phê duyệt Ðề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Ðến nay, đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy quá trình khởi nghiệp, nhưng nhìn chung các hoạt động vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi các nhóm khởi nghiệp thiếu kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiếu sự liên kết và chưa đủ mạnh để phát triển một cách bền vững.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2016 có khoảng 110 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tăng 16,2% so với năm 2015), đã tạo việc làm cho gần 1,3 triệu lao động. Nhưng cũng trong năm 2016, cả nước có 12.478 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp hiện nay dựa trên kỹ thuật công nghệ cao, tri thức khoa học, với nhiều ý tưởng sáng tạo, phong phú nhưng lại thiếu kinh nghiệm, cho nên khả năng thành công tương đối thấp. Cứ khoảng 100 doanh nghiệp khởi nghiệp thì có tới 90 doanh nghiệp đứng trước nguy cơ giải thể trong hai năm đầu hoạt động.
Nguyên nhân chính dẫn đến việc khởi nghiệp thất bại là do thiếu kiến thức về quản trị điều hành doanh nghiệp, thiếu kinh nghiệm thực tế trong môi trường kinh doanh và thiếu hiểu biết về khoa học và công nghệ; các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn về thông tin và kết nối với các dịch vụ, tổ chức hỗ trợ; hệ thống giáo dục chưa chú trọng khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên chưa được trang bị nguyên lý cơ bản về kinh tế học, ít được tiếp cận thực tiễn về kinh doanh. Ngược lại, tinh thần làm chủ, khởi nghiệp lại được bắt đầu từ những người lăn lộn với thực tiễn, ít có cơ hội học hành, dẫn đến những người có trình độ chuyên môn, có nhiều cơ hội khởi nghiệp thành công lại hướng đến việc đi làm thuê. Ðặc điểm đó đã tạo ra rào cản lớn cho quá trình hình thành tinh thần khởi nghiệp trong đời sống hiện đại.
Ðể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển, một số nước đã tạo lập môi trường khởi nghiệp, hỗ trợ, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của thế hệ trẻ. Tại I-xra-en, một quốc gia chỉ có khoảng 8,5 triệu dân, điều kiện thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, với hai phần ba diện tích là sa mạc, đồi núi, 95% diện tích khô hạn, không thể canh tác, hầu như không có tài nguyên thiên nhiên… nhưng lại có những nông trang đầy hoa giữa sa mạc, nhiều nhà khoa học đoạt giải Nô-ben, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công… Ðó là nhờ họ đã phát triển được đội ngũ trí thức trẻ dám nghĩ, dám làm, không sợ thất bại tạo ra tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ nhất trên thế giới. Họ đã rút ra ba nguyên nhân trực tiếp để khởi nghiệp thành công là: Có chính sách phù hợp của Chính phủ; sự năng động của công dân; sự đóng góp của môi trường quân đội. Tại Xin-ga-po, tinh thần khởi nghiệp được khơi dậy mạnh mẽ nhờ các chính sách ủng hộ của Chính phủ, bắt đầu từ các cơ sở giáo dục đại học giảng dạy tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với doanh nghiệp.
Ở Việt Nam, môi trường khởi nghiệp còn non trẻ, cần sớm đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình giáo dục phổ thông, sớm hình thành tinh thần khởi nghiệp cho giới trẻ; cải cách hệ thống giáo dục từ phổ thông tới đại học theo hướng gắn giáo dục, đào tạo với hoạt động thực tiễn, đề cao tinh thần làm chủ, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp; đưa giáo dục STEM (trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng liên quan đến lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) vào chương trình đào tạo phổ thông, xây dựng chương trình, lộ trình cụ thể để nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; chính sách nhất quán và đồng bộ từ Chính phủ đến các cấp chính quyền, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp; phát huy vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, xây dựng Chính phủ kiến tạo, nhân dân khởi nghiệp; Nhà nước cần coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển và ban hành đầy đủ các chính sách thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Nhanh chóng và kiên quyết cải cách thể chế, loại bỏ tệ nạn sách nhiễu doanh nghiệp từ các cơ quan công quyền; sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động cổng thông tin khởi nghiệp quốc gia, nhằm cung cấp, hỗ trợ cho người dân các thông tin liên quan đến hoạt động, kiến thức cơ bản về khởi nghiệp. Cổng thông tin cần được tích hợp với các trang thông tin điện tử của các cơ quan liên quan đến khởi nghiệp, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học… tạo thành mạng lưới liên kết bốn nhà, tạo ra sự cộng hưởng, chia sẻ, hỗ trợ giữa nhà quản lý, cộng đồng nhà khoa học, doanh nghiệp và cá nhân, các nhóm khởi nghiệp.
Theo Nhân dân