Sourcemap hiển thị thông tin của các nhà cung cấp dịch vụ dệt may, hệ thống giao vận tại Bangladesh, giúp khách hàng quốc tế thuận tiện mua bán.
Trước tiềm năng phát triển của lĩnh vực thời trang toàn cầu, startup Mỹ – Sourcemap đã thiết kế bản đồ trực tuyến, hiện thị vị trí kèm thông tin của các đơn vị cung cấp dịch vụ dệt may và hệ thống vận tải tại Bangladesh. Đại diện startup nhìn nhận, ý tưởng này có thể giúp thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp thời trang của thế giới.
Giao diện bản đồ. Ảnh: Forbes.
Trưởng bộ phận thiết kế Sourcemap – Rhea Rakshit cho biết: “Sourcemap đang nỗ lực làm việc với các nhà cung ứng địa phương, đảm bảo quy trình sản xuất hàng hóa khép kín, thuận lợi nhất cho khách hàng. Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra nền tảng có tất cả nhà phân phối, gia công thời trang cần để đáp ứng nhu cầu sản xuất”.
Bên cạnh đó, công ty liên kết với một số tổ chức uy tín tại Bangladesh nhằm đảm bảo tính xác thực và nắm những điểm cập nhập mới liên quan đến hệ thống sản xuất của các công ty xuất hiện trên bản đồ. “Sourcemap hữu dụng với hoạt động của công ty chúng tôi. Trước đây, các công ty thống kê địa phương không cung cấp cho chúng tôi đủ thông tin về cách các công ty may mặc vận hành, sản phẩm sản xuất, hoạt động, lượng công nhân… “, một trong số đối tác của startup nhận xét.
Sourcemap đồng thời quan tâm đến điều kiện làm việc của lao động. Ảnh: Internet.
Theo đại diện startup, hệ thống bản đồ sau khi hoàn thiện sẽ giúp các thương gia quốc tế thuận tiện khi đặt hàng may mặc tại Bangladesh, đồng thời giúp doanh nghiệp trong nước tăng sức cạnh tranh, tạo điều kiện phát triển ngành. Đại diện Sourcemap nhìn nhận, dữ liệu hãng sở hữu cũng được chính phủ nước này quan tâm để khảo sát tình hình chung của ngành may mặc Bangladesh.
Không chỉ chú trọng đến chất lượng sản phẩm dệt may của các công ty liên kết, Sourcemap còn quan tâm đến môi trường làm việc. Gần đây, công ty hợp tác với BRAC, một trong những tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất thế giới nhằm tập trung khảo sát chất lượng sống của công nhân ngành dệt may. “Chúng tôi dành nhiều năm để thu thập dữ liệu về môi trường làm việc an toàn, độ hài lòng và chế độ đãi ngộ công nhân được hưởng”, vị đại diện tiết lộ.
Forbes đưa tin, Bangladesh là một trong những quốc gia phát triển mạnh nền công nghiệp dệt may. Tuy nhiên đất nước này hiện tồn tại tình trạng công nhân bị đối xử không công bằng và phải làm việc nhiều giờ trong điều kiện làm việc tồi tệ.
Theo VnExpress