(TBKTSG Online) – Theo ý kiến tư vấn của một số chuyên gia, các startup từ lúc lập kế hoạch khởi nghiệp nên nghĩ tới thị trường khu vực hoặc toàn cầu, nếu chỉ nghĩ tới thị trường nội địa thì sau này sẽ gặp khó.
Các chuyên gia tư vấn hoạt động khởi nghiệp đang chia sẻ kinh nghiệm xác định thị trường cho các startup. Ảnh: Chí Thịnh
Tại tọa đàm về “Thị trường nào cho cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo-khởi nghiệp” diễn ra chiều nay (29-8) tại TPHCM, theo nhận định của bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền quốc tế World Franchise Associates ở khu vực Đông Nam Á, các startup (khởi nghiệp) nên có tư duy thị trường mang tính dài hạn, ngay từ đầu phải tính toán sản phẩm của mình làm ra phù hợp cho thị trường khu vực nào trên phạm vi toàn cầu và cần xác định thị trường phù hợp trước khi phát triển sản phẩm để có được một kế hoạch dài hạn.
Bà Vân cho rằng ngay từ đầu, nếu các startup chỉ có ý định làm sản phẩm cho thị trường nội địa mà không nghĩ tới việc cung cấp cho thị trường khu vực hoặc toàn cầu sẽ gặp khó khăn khi muốn mở rộng thị trường.
Còn bà Nguyễn Thị Ánh Phương, đại diện trường Đại học Bách khoa TPHCM cho rằng, hoạt động gọi vốn đầu tư, phát triển thị trường… của startup phải được lên kế hoạch ngay từ đầu. Cần vạch ra một kế hoạch tài chính cơ bản thì startup mới có thể xác định được khi nào cần vay vốn, kêu gọi vốn đầu tư, thu hút vốn vào thời điểm nào…
Theo ý kiến từ các chuyên gia tư vấn khởi nghiệp, các startup ở Việt Nam thường “làm ngược”, cứ lo phát triển sản phẩm rồi mới đi tìm thị trường để cung ứng sản phẩm. Đúng ra, các startup phải định hình sản phẩm mình làm ra sẽ cung cấp cho thị trường nào, phù hợp với đối tượng người dùng nào… rồi mới tiến hành phát triển sản phẩm.
Ông Chu Bá Long, Phó trưởng phòng quản lý công nghệ và thị trường công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho biết, các startup hoàn toàn có thể kết nối với các vườn ươm khởi nghiệp để nhận được sự hỗ trợ về tư vấn khởi nghiệp, sở hữu trí tuệ, cách thức gọi vốn đầu tư… từ các chuyên gia. Còn về nhu cầu vay vốn, thông qua các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học công nghệ… các cá nhân, doanh nghiệp sẽ nhận được sự hỗ trợ về vốn từ cơ quan quản lý Nhà nước với nhiều hình thức khác nhau.
Tọa đàm này là hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp-đổi mới sáng tạo do Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM phối hợp với trường Đại học Bách khoa TPHCM tổ chức. Đây cũng là cơ hội để Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM chính thức triển khai hợp tác với trường Đại học Bách khoa TPHCM trong việc hỗ trợ tổ chức các sự kiện, hoạt động đào tạo, truyền thông phát triển thị trường khoa học công nghệ, khởi nghiệp…
Nhân dịp này, trường Đại học Bách khoa TPHCM cũng giới thiệu về cuộc thi Swiss Innovation Challenge Vietnam 2017. Vòng chung kết Swiss Innovation Challenge Vietnam 2017 sẽ diễn ra vào ngày 13-9-2017 với sự tham dự của 25 đội/startup tại TPHCM. Cuộc thi này được tổ chức bởi chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh chuyên ngành tư vấn quản lý quốc tế và đổi mới sáng tạo (EMBA-MCI); hợp tác giữa Đại học Khoa học Ứng dụng Tây Bắc Thụy Sĩ và Đại học Bách khoa TPHCM đào tạo các nội dung tư vấn quản lý, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Nguồn: thesaigontimes.vn