Một quốc gia với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công cần “thái độ” đúng từ cả người khởi nghiệp lẫn cộng đồng.
Tại phiên thảo luận của Diễn đàn Khởi nghiệp APEC 2017 ngày 12/9 ở TP.HCM, ông Đỗ Sơn Dương, đồng sáng lập và là CEO không gian làm việc chung Toong, nói rằng tại Việt Nam ông biết nhiều người sáng lập doanh nghiệp tràn đầy năng lượng và tham vọng nhưng lại “có vấn đề” về thái độ cũng như cách suy nghĩ.
Cần “thái độ” từ cả cộng đồng lẫn start-up
“Họ không nhận ra điểm yếu của họ để từ đó hợp tác với những người khác, không biết cách làm việc với những người giỏi hơn mình. Rất nhiều những người đầy triển vọng cách đây 2 năm giờ đã thất bại, không biết phải làm gì tiếp theo, chỉ chờ đợi và than vãn”.
“Đôi khi họ tìm kiếm nguồn vốn, nhưng không đủ tốt cho nguồn vốn đó”, ông Sơn nói.
Một buổi trình bày dự án của các “start-up” để tìm kiếm vốn đầu tư tại TP.HCM. Ảnh: Hải An.
Bà Yun Kyung Kim, Giám đốc Cấp cao của Hebronstar, một công ty đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp mới ở Hàn Quốc, cho rằng tại Hàn Quốc, nhược điểm của các doanh nghiệp mới là việc kết nối với các nguồn lực và xử lý khủng hoảng.
“Phần lớn các ‘start-up’ nghĩ rằng chỉ cần kiếm được nhà đầu tư là họ sẽ thành công, như thế nghĩa là họ đã có sản phẩm và dịch vụ tốt nhất. Đó là một suy nghĩ quá lý tưởng, còn nhiều khía cạnh khác của việc kinh doanh cần phải cân nhắc”, bà Yun nói với Zing.vn.
Về cách nhìn nhận của xã hội đối với khởi nghiệp, ông Sơn cho rằng 2-3 năm trước, nhiều người vẫn cho rằng từ “khởi nghiệp” là phong trào, và những người khởi nghiệp chỉ chạy theo phong trào chứ không không nghiêm túc. Gần đây, nhiều người đã nhìn nghiêm túc hơn với khởi nghiệp.
Bên lề phiên họp buổi sáng của Diễn đàn Khởi nghiệp APEC, thành viên Tổ tư vấn cho Thủ tướng, ông Trần Du Lịch cũng cho rằng để tạo nên một quốc gia khởi nghiệp thành công, Việt Nam cần ý thức của cả cộng đồng.
“Nếu không thể khởi nghiệp theo yêu cầu của thời đại, của Cách mạng Công nghiệp 4.0, chúng ta sẽ tụt hậu. Việc khởi nghiệp phải được xem là một khát vọng”, ông nói.
Khởi nghiệp không tuổi tác
Trao đổi với Zing.vn, ông Akira Shimbo, Trưởng phòng Trung tâm Hợp tác Quốc tế thuộc Tổ chức Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa và Đổi mới Sáng tạo Khu vực (Nhật Bản), cho biết “thái độ” ở Nhật lại rất khác so với các nền kinh tế khác. Khoảng 80% dân số Nhật thờ ơ với các hoạt động khởi nghiệp, trong khi đó nhiều người trẻ bị áp lực phải vào được những công ty lớn và vươn lên vị trí lãnh đạo tại đây.
“Cách suy nghĩ này cần phải thay đổi. Các chính sách của chính phủ Nhật Bản hiện chỉ tập trung vào cung cấp vốn, trong khi chúng ta cần phải cung cấp giáo dục, đào tạo, các phương tiện, phải khuyến khích mọi người khởi nghiệp”, ông Shimbo nhận xét.
Ông Akira Shimbo, Giám đốc Quốc tế của Tổ chức Hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa và Sáng tạo Khu vực của Nhật Bản. Ảnh: Phương Thảo.
Dù vậy, ở Nhật Bản một phần lớn các doanh nhân khởi nghiệp lại là người về hưu. Vào năm 2014, khoảng 1/3 số người khởi nghiệp ở Nhật trên 60 tuổi.
“Họ trên 60 tuổi. Họ từng làm cho các công ty lớn, họ có kinh nghiệm, là chuyên gia trong việc quản lý, công nghệ, họ có nhiều mối quan hệ, khi về hưu, họ lại khởi nghiệp. Việc này thật sự khác biệt so với nhiều nơi”, ông nói và cho rằng Việt Nam thì khác hẳn, nơi có đầy người trẻ và thị trường đang tăng trưởng.
Theo Zing