(VNF) – Theo bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu – tư vấn Savills Hà Nội, co-working space (không gian làm việc chung) chỉ đáp ứng nhóm nhu cầu còn thiếu của văn phòng truyền thống. Do đó, loại hình này không phải là mối đe dọa đối với các văn phòng truyền thống hiện hữu.
Bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu – tư vấn Savills Hà Nội nhận định co-working sapce sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới
Trong các năm qua, co-working space đã phát triển hết sức mạnh mẽ, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM. Mô hình này cũng đang lan rộng ra các thành phố khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa Vũng Tàu…
Xuất hiện từ năm 2012, nhưng co-working space chỉ gây chú ý lớn từ năm 2015 với sự ra mắt của các chuỗi co – working space trong nước như Dreamplex và Toong.
Theo thống kê của CBRE, đến tháng 6/2017, đã có 17 đơn vị vận hành co – working tại 22 địa điểm như: Start, Saigon co working, Citihub, TheVentures, Fablab, PerperHouse, CirCO Coworking Space… Đến quý I/2018, số đơn vị vận hành đã tăng lên con số 40, riêng Hà Nội có 19 không gian làm việc chung và TP. HCM có 15 khu đến từ 23 đơn vị điều hành.
Sự phát triển của co-working space đã đặt ra câu hỏi về tương lai của văn phòng truyền thống cũng như loại hình căn hộ văn phòng (officetel). Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi nhanh với bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu – tư vấn Savills Hà Nội.
– Bà đánh giá như thế nào về tình hình hoạt động của co-working space trong thời gian qua?
Bà Đỗ Thu Hằng: Co-working space là một trong những xu hướng phát triển của thị trường văn phòng Hà Nội. Theo thống kê của Savills, thời điểm quý III/2018, văn phòng chia sẻ, văn phòng dịch vụ tại Hà Nội có khoảng 30 – 40 dự án.
Thị trường co-working space thu hút khá nhiều doanh nghiệp nhỏ và các hoạt động khởi nghiệp bởi sự linh hoạt giá thuê theo ngày, theo tuần, theo tháng, theo năm. Điều kiện thanh toán cũng rất linh hoạt và không gian làm việc hiện đại, phù hợp với lớp thanh niên, các startup, các đơn vị cần không gian văn phòng vừa phải. Lợi thế nổi bật của co-working space là không phụ thuộc vào các hợp đồng dài hạn như văn phòng truyền thống.
Theo khảo sát của Savills, những khu vực có co-working space sẽ còn phát triển thêm hình thức co-living. Ở đấy có những diện tích rất nhỏ, thiết kế thông minh, có bếp, giá thuê cũng rất phải chăng và thanh toán linh hoạt.
– Sự phát triển của co-working space sẽ ảnh hưởng thế nào tới văn phòng truyền thống?
Co-working space thực ra đáp ứng nhóm nhu cầu còn thiếu của văn phòng truyền thống. Với văn phòng truyền thống, diện tích sàn đều khá lớn, trong khi đó khá nhiều người lại có nhu cầu diện tích văn phòng nhỏ. Trước kia, những người này phải vào chung cư thuê. Nhưng chung cư không phải là địa điểm lý tưởng để làm văn phòng. Do đó, co-working space ra đời và giải bài toán cho nhu cầu văn phòng nhỏ.
Không gian co-working space khác với văn phòng truyền thống ở chỗ nó là không gian mở, có tính sáng tạo nhiều hơn cho người làm việc và cho quá trình giao lưu (net working)…
– Officetel cũng hướng tới nhóm khách hàng có nhu cầu diện tích làm việc nhỏ như co-working và linh hoạt như co-living. Vậy mức độ ảnh hưởng giữa chúng như thế nào?
Đúng là offcetel cũng hướng tới nhóm khách hàng tương tự. Nhưng officetel có “module” lớn hơn so với co-working space. Officetel cũng chỉ đáp ứng một phần phân khúc chứ không chiếm được số đông phân khúc khách hàng cần không gian làm việc nhỏ và linh hoạt.
Thêm vào đó, officetel không có nhà điều hành hoặc nhà điều hành không chuyên. Đôi khi các nhà đầu tư officetel không chuyên bằng các nhà đầu tư co-working space. Vì rõ ràng các nhà đầu tư co-working space có thiết bị chuyên dụng hơn, thậm chí họ không chỉ dừng ở chuyện cho thuê không gian làm việc mà còn có những “event” (sự kiện) hoặc hỗ trợ cho người đến làm việc, làm khách hàng có cảm giác gắn bó hơn.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy rằng văn phòng truyền thống vẫn có lợi thế khác biệt so với các loại hình trên. Bởi với các doanh nghiệp lớn, văn hóa doanh nghiệp là yếu tố rất quan trọng. Và văn phòng truyền thống đáp ứng được điều này.
– Nhưng trong bối cảnh cạnh tranh, các chủ văn phòng truyền thống cũng cần phải thay đổi?
Theo nghiên cứu của Savills, các văn phòng truyền thống ở khu tây đã tính tới việc tối ưu hóa không gian của mình bằng cách tạo thêm những góc thiền, yoga… khiến môi trường văn phòng trở nên tốt hơn.
Trong cùng một tòa nhà văn phòng, chủ đầu tư có thể phát triển những khu vực làm co-wroking sapce, đáp ứng cho mọi tượng, mọi phân khúc. Có điều các chủ đầu tư sẽ không tự đứng ra điều hành mà giao cho các bên như Toong, WeWork, Co-Work…
– Vậy bà đánh giá như thế nào về triển vọng của loại hình co-working space tại Hà Nội nói riêng và tại Việt Nam nói chung?
Chúng tôi nhận thấy co-working space có triển vọng. Bởi nhìn vào lượng doanh nghiệp thành lập mới tại Hà Nội có thể thấy số lượng doanh nghiệp thì nhiều nhưng số lao động bình quân/doanh nghiệp lại nhỏ.
Rất nhiều người có những công ty riêng và họ cần một không gian vừa phải, hiện đại, có thể tiếp khách được, có chất lượng như kì vọng, linh hoạt trong thanh toán. Do đó, chúng tôi cho rằng co-working space sẽ là xu hướng phát triển trong thời gian tới.
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!
Theo vietnamfinance.vn