Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là rủi ro nên không được đầu tư?
Đầu tư cho khởi nghiệp khó thành
Tham gia diễn đàn khoa học “Đổi mới, sáng tạo và quốc gia khởi nghiệp để đất nước phát triển: Từ nhận thức đến hành động” do VUSTA tổ chức, PGS. TS. Đặng Ngọc Dinh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) đã nhận định rằng, chính sách của Việt Nam hiện nay đang ngăn cản quốc gia khởi nghiệp.
Theo đó, ông Dinh đánh giá, chính mô hình quốc gia khởi nghiệp đã không phù hợp với Việt Nam. Chưa kể, Việt Nam đặt ra mục tiêu của chương trình nhưng lại đang tự làm khó mình.
Việt Nam muốn lấy bài học kinh nghiệm của Israel về chương trình start-up để làm quốc gia khởi nghiệp ở Việt Nam. Điều này là không phù hợp.
“Đừng nên mang một mô hình quá siêu cấp để lấy làm bài học kinh nghiệm cho khởi nghiệp Việt Nam bởi nó chênh nhau quá lớn. Nếu chúng ta cứ nhắc tới một cách thường xuyên về bài học và mô hình Israel thì nó sẽ gây ảo tưởng” – PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh nói.
Mục tiêu quốc gia khởi nghiệp Israel có phù hợp Việt Nam?
Ông cho biết, Israel có 7.1 triệu người nhưng số công ty Israel được niêm yết trên sàn NASDAQ của họ nhiều hơn cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ hay bất cứ quốc gia châu Âu nào khác.
Một công dân Israel hội tụ đủ yếu tố của quân nhân, doanh nhân và nông dân. Họ có tinh thần chiến đấu tới cùng, có đầu óc tinh tường của doanh nhân và sự cần cù, chịu khó của nông dân.
Nhưng Việt Nam chỉ cần cù, chăm chỉ, sáng tạo, chịu khó thôi chưa đủ. Ông nói: “Chúng ta phải nhìn vào thực tế: Việt Nam hiện nay nhìn chung chỉ thành đạt ở lĩnh vực đi làm thuê, gia công, xuất khẩu lao động chứ không làm ông chủ lớn được”.
Có một vài thành công đặc biệt như Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird. Song Nguyễn Hà Đông lại chưa có một cơ quan Nhà nước, đơn vị, một chương trình truyền hình nào bắt tay để ghi nhận và nâng cấp nền tảng thành công của anh.
“Đây là chính sách của Việt Nam. Vì sao không khuyến khích, nâng cao và phát triển thêm Nguyễn Hà Đông? Thay vào đó, mặc kệ cậu ấy cho dư luận, rồi để gạt hết mọi thứ rắc rối thì cậu ấy đã bán sản phẩm tri thức của mình cho nước ngoài?” – ông Dinh đặt câu hỏi.
PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh đánh giá, Việt Nam yếu về tầm nhìn, thiếu về chất lượng, đào tạo doanh nghiệp cũng quá yếu, lại chưa có tư tưởng kinh doanh tri thức.
“Chúng ta chưa biết coi lực lượng sinh viên năm cuối Đại học là một nguồn tri thức quan trọng và dồi dào, là nguồn đặc biệt tạo nên nền tảng tri thức hiện nay” – ông nói.
Các trường Đại học, nhà nghiên cứu, giảng viên thì đang tự hạn chế trong việc truyền cảm hứng cho sinh viên khởi nghiệp.
Phải chăng, chúng ta đang tự làm thất thoát nguồn lực lớn nhất của khởi nghiệp mà lại muốn làm quốc gia khởi nghiệp?
PGS.TS. Phạm Ngọc Dinh cho rằng, Việt Nam không nên tự nhận mình là quốc gia khởi nghiệp bởi để đạt tới mục tiêu cả quốc gia khởi nghiệp chắc mới chỉ có Israel xứng đáng.
Đã đến lúc phải nhìn thẳng, nhìn thật.
Việt Nam có lợi thế nhưng ít hơn rào cản
PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh cho biết, thuận lợi nhất để làm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là người Việt thích dùng Internet, thích dùng smartphone.
64% dân số Việt Nam sử dụng Internet, đứng thứ 5 ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương. 55% dân số sử dụng Điện thoại thông minh. Việt Nam trong top 5 nước tăng trưởng Công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới.
Giáo dục rập khuôn không mang lại nhân tài cho khởi nghiệp.
Song, khó khăn nhất là chưa có cơ chế chính sách hợp lý cho khởi nghiệp. Khởi nghiệp là đầu tư mạo hiểm nhưng chưa có một văn bản pháp luật nào định nghĩa đầu tư mạo hiểm.
“Chúng ta nói rất nhiều nhưng không quy định về đầu tư mạo hiểm nên trong xã hội vẫn coi đầu tư mạo hiểm như là “ném tiền qua cửa sổ”” – ông Dinh nói. Đây là một quan điểm sai lầm.
Bên cạnh đó, Luật quản lý Ngân sách Nhà nước quy định là phải bảo toàn vốn Ngân sách, không khích lệ quỹ Nhà nước đầu tư cho khởi nghiệp mà chỉ có các dự án, chương trình “tài trợ cho khởi nghiệp” chứ không có “đầu tư cho khởi nghiệp”. Đây là 2 định nghĩa hoàn toàn khác nhau.
“Bất động sản thì chúng ta đầu tư, nhưng khởi nghiệp thì chỉ tài trợ. Thế thì sao mà khởi nghiệp có tính bền vững được?” – PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh đặt câu hỏi.
Cùng với đó, các thủ tục với đặc thù khởi nghiệp rất khó khăn. Doanh nghiệp khởi nghiệp rất khó xin sở hữu trí tuệ và bản quyền.
Ông Dinh cho rằng: tinh thần quan trọng nhất của chính sách thúc đẩy khởi nghiệp là thúc đẩy sáng tạo và hỗ trợ cơ bản về tài chính, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy doanh nghiệp hội nhập với thị trường quốc tế.
Do đó, ông đề xuất thiết lập một bộ tiêu chí về doanh nghiệp khởi nghiệp để đánh giá năng lực, khả năng, ý tưởng của các doanh nghiệp. Từ đó, có chính sách hỗ trợ họ sao cho phù hợp và kiểm soát được mức độ rủi ro khi đầu tư mạo hiểm.
Tuy nhiên, các tiêu chí để đánh giá doanh nghiệp này cần phải được xem xét kỹ lưỡng.
Vị chuyên gia cũng đề xuất, phải xây dựng một nền giáo dục tiên tiến, ngang tầm tiêu chuẩn thế giới, quản lý bằng tài năng. “Nhân tài là ở tài năng chứ không rập khuôn. Điều đó rất quan trọng” – ông nói.
PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh nhấn mạnh, cần có chiến lược kinh doanh tri thức đối với đại học, nghiên cứu. Đại học, Viện nghiên cứu là một nhân tố cốt lõi để phát triển một xã hội hướng tới đổi mới sáng tạo. Từ đó, mới có hướng phát triển từng bước để hướng tới một quốc gia khởi nghiệp.
Phát biểu tại Diễn đàn, PGS.TS. Đặng Ngọc Dinh băn khoăn một câu hỏi: Quốc gia khởi nghiệp là tất cả hướng vào kinh doanh, tất cả tạo ra tiền bạc. Việt Nam liệu có nên đi con đường như vậy?
Theo Báo Đất Việt