Cùng với sự phát triển nhanh chóng của cộng đồng khởi nghiệp, trong vài năm trở lại đây, nhiều đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp hay còn được gọi là các vườn ươm tạo cũng đã phát triển mạnh mẽ, từng bước góp phần xây dựng nên một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững.
Khởi nghiệp từ khi còn là sinh viên nên chị Cấn Thị Thanh Hiền đã gặp phải nhiều khó khăn như: thiếu kinh nghiệm, thiếu tài chính. Song rất may mắn, ý tưởng của chị và đồng sự về việc xây dựng nền tảng kết nối khách hàng với những bữa cơm trưa của các bà nội trợ đã được Đề án Thung lũng Silocon Việt Nam ươm mầm. Sự hỗ trợ này đã tạo điều kiện, tiền đề rất lớn, giúp ý tưởng ban đầu trở thành Fesh Deli của ngày hôm nay.
Chị Cấn Thị Thanh Hiền, Đồng sáng lập Fesh Deli cho biết: “Tôi thực sự bất ngờ là những vườn ươm khởi nghiệp và những tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam đã rất chủ động và năng động trong việc tìm kiếm những startup, những doanh nghiệp khởi nghiệp thậm chí là những dự án còn đang là ý tưởng và hỗ trợ rất nhiều cho các đội khởi nghiệp đó.”
Hiện nay, các vườn ươm tạo phát triển đa dạng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: công nghệ, ứng phó với biến đổi khí hậu. Một số đơn vị tập trung hỗ trợ chuyên sâu cho các nhóm đối tượng khởi nghiệp như: thanh niên, phụ nữ. Bên cạnh hỗ trợ đào tạo, tư vấn, các vườn ươm tạo còn hỗ trợ về vốn, giúp các start-up kết nối với nhà đầu tư, tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra các cơ hội gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm cho start-up.
Chị Cấn Thị Thanh Hiền cho biết: “Mình thấy ở Việt Nam các bạn khởi nghiệp ở độ tuổi tương đối trẻ và còn thiếu nhiều về kinh nghiệp, về kiến thức vì thế những kiến thức rất chuyên sâu như marketing, sale hay là quản lý tài chính là những cái mà rất cần thiết. Ngoài ra thì những kiến thức về đầu tư, quản trị doanh nghiệp ngay từ ban đầu đều là những điều mà các bạn trẻ khởi nghiệp rất cần.”
Nhiều vườn ươm hỗ trợ khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ
Ông Nguyễn Đình Tiến, Chuyên gia Thương mại hóa, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam cho biết: “Hiện tại VCIC đã hỗ trợ doanh nghiệp hai nội dung chính. Thứ nhất là chúng tôi tài trợ cho doanh nghiệp để doanh nghiệp có vốn mồi sản xuất theo mô hình kinh doanh liên quan đến tăng trưởng xanh. Thứ hai là đưa ra các lời khuyên hoặc cùng doanh nghiệp xây dựng những mô hình kinh doanh, giải quyết các vấn đề khó khăn trong tồn đọng thị trường.”
Tuy nhiên, để có thể hỗ trợ đắc lực cho start-up thì bản thân các vườn ươm tạo cũng cần phải liên kết với nhau, tận dụng các thế mạnh nhằm phát triển cộng đồng ươm tạo khởi nghiệp. Cùng với đó, kết nối, cộng hưởng với tất cả các thành phần khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp để xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh, bền vững.
Chị Đỗ Thị Tú Anh, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp cho biết: “Bản thân Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp muốn là chúng tôi sẽ kết nối, chúng tôi sẽ lựa chọn những đối tác vệ tinh những đơn vị hỗ trợ mà họ thực sự có hàm lượng thông tin cao để cùng với họ xây dựng những nội dung nhằm truyền tải, đào tạo, hướng dẫn cho các bạn khởi nghiệp một cách bài bản. Chúng tôi mong muốn tổ chức một liên minh, liên kết giữa các đơn vị hiện nay đang hỗ trợ khởi nghiệp cả nước, chúng tôi muốn liên kết họ lại với nhau.”
Chị Từ Thu Hiền, Sáng lập viên Sáng kiên Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh cho biết: “Tôi nghĩ là còn rất nhiều việc phải làm trước hết nhận thức đã là tương đối tốt tương đối đầy đủ, mọi người đều cảm thấy hiểu được cái nhu cầu cần thiết phải hỗ trợ khởi nghiệp một cách mạnh mẽ nhưng sắp tới đây cần phải tiếp tục cộng hưởng, tiếp tục phát triển lên một bước mới, cung cấp thêm nhiều dịch vụ và những dịch vụ thực sự chất lượng để phục vụ cho nhu cầu của start-up của khởi nghiệp.”
Thành quả của không ít start-up có được hiện nay là nhờ sự hỗ trợ từ phía các vườn ươm tạo. Điều này khẳng định việc thành lập, liên kết các vườn ươm khởi nghiệp đang đi đúng hướng với mục tiêu hỗ trợ nhiều hơn các ý tưởng đổi mới sáng tạo, giúp cho các start-up đủ vững mạnh phát triển thành các doanh nghiệp tốt.
Theo An ninh ti vi