Trong nhiều sự kiện dành cho cộng đồng startup, ông Nguyễn Hồng Trường, khi đó là Phó Chủ tịch IDGVV đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cũng như đã đưa ra nhiều lời khuyên bổ ích dành cho các startup Việt Nam.
Ông Trường cho rằng nếu không có sự sáng tạo rất khó đạt được kết quả tốt
Không ngừng sáng tạo, thúc đẩy đam mê
Một bài học mà ông Nguyễn Hồng Trường chia sẻ là “Tránh sáng tạo lại bánh xe”, điều này có nghĩa các startup không nên đưa ra các sản phẩm và mô hình thiếu tính mới và sáng tạo.
Theo ông Trường, điều này không chỉ đúng với Việt Nam mà còn đúng trên toàn thế giới. 10 năm trước khi mọi thứ còn mới mẻ, một số startup có thể thành công bằng cách sao chép lại một mô hình đã thành công khác. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, nếu không có sự sáng tạo rất khó đạt được kết quả tốt.
Ngoài ra, các startup nên kết hợp giữa mô hình kinh doanh (điều mà mình đam mê, ám ảnh) và tình hình thực tế.
“Khi đầu tư, chúng tôi quan tâm xem người doanh nhân đó có sự đam mê, ám ảnh gì và họ giải quyết được vấn đề gì cho chính mình”, ông Trường nói.
Startup phải có tầm nhìn xa
Theo ông Nguyễn Hồng Trường, có 2 vấn đề: Một là tư duy của người sáng lập phải nhìn vào thị trường lớn hơn thị trường Việt Nam vì những sản phẩm dành cho thị trường Việt Nam ngày nay đã được các công ty như IDG và một số quỹ đầu tư khác nắm chuỗi giá trị tương đối kỹ. Muốn thuyết phục nhà đầu tư, startup cần phải có tầm nhìn xa hơn, hướng ra bên ngoài.
Vấn đề thứ hai đó là, hiện nay có khá nhiều founder ngộ nhận, mắt mở hơi to, nhìn thấy chỗ này cần, chỗ kia thiếu lại muốn bổ sung thêm vào. Kết quả là 1 sản phẩm phức tạp và lúng túng.
“Ngày xưa chỉ cần có ý tưởng tốt, cơ hội đáp ứng là có thể nhảy vào làm ngay được. Nhưng bây giờ nhiều xu hướng khiến các founder đau đầu hoặc ảo tưởng về sản phẩm của mình có thể đáp ứng được nhiều thứ. Dẫn đến việc cố gắng nhồi nhét thêm tính năng này, yếu tố khác vào. Các bạn phải tỉnh táo để sản phẩm của mình càng đơn giản càng tốt. Một thị trường mà khách hàng ngày càng không chung thủy là câu chuyện làm cho các startup bây giờ khổ hơn xưa”, ông Trường chia sẻ.
Thể hiện đúng con người mình
Đối với kinh nghiệm làm thế nào để các founder gây được ấn tượng ngay từ khi tiếp cận nhà đầu tư và giữ được mối quan hệ tốt, ông Trường đưa ra lời khuyên: “Cách tốt nhất là làm đúng theo bản năng của mình, thể hiện cái gì chân thật nhất mà các bạn có. Khi tiếp xúc với các nhà đầu tư, người đại diện cho startup có gì thì hãy chia sẻ như thế, không nói được tiếng Anh, diễn thuyết bằng tiếng Việt chưa tốt cũng không quan trọng bằng việc thể hiện đúng bản năng của mình”.
“Trước đây có nhiều ứng viên tìm đến IDG hỏi có phải chuẩn bị gì không? Tôi chỉ bảo chẳng phải chuẩn bị gì, cứ đến nói chuyện. Tôi chưa thấy startup nào có kế hoạch kinh doanh mà không phải sửa ít nhất 10 lần trước khi bắt tay vào làm. Và 50% kế hoạch sửa thường không liên quan gì đến ý tưởng đầu tiên”, ông Trường nói.
Chia miếng bánh cổ phần với nhà đầu tư
Khi nhà đầu tư rót vốn vào start-up, họ sẽ nhận lại quyền lợi trong công ty đó dưới dạng cổ phần. Trên thế giới, nhiều thương vụ áp dụng tỷ lệ 70-30, tức là start-up chiếm 70% cổ phần còn nhà đầu tư sở hữu 30% còn lại.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Trường, việc nên chia thế nào còn tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Khi IDG mới đầu tư vào Việt Nam cũng từng áp dụng tỷ lệ này, nhưng sau đó cũng có nhưng thương vụ chỉ sở hữu 25 hoặc 20% cổ phần của công ty.
Ngược lại, có những mô hình cần rất nhiều vốn hoặc phải chấp nhận rủi ro cao thì nhà đầu tư có thể sở hữu đến 70% cổ phần của công ty.
Ông Trường chia sẻ “Nếu sản phẩm của bạn thật sự tốt, các nhà đầu tư sẽ không muốn lấy quá nhiều cổ phần của bạn. Bởi vì họ muốn bạn có động lực để phát triển sản phẩm của mình. Nhưng nếu sản phẩm của bạn chưa đủ hay, các nhà đầu tư sẽ muốn chiếm một lượng cổ phần cao giống như bảo hiểm cho những rủi ro mà họ có thể gặp phải”.
Theo VnExpress