Nhiều startup xã hội đột phá tại chung kết SOIN Challenge 2017

Sàn Nông dân 4.0, chatbot tư vấn tâm lý, startup dinh dưỡng Việt là những ý tưởng khởi nghiệp xã hội giành giải cao cuộc thi SOIN Challenge 2017.

6 startup Việt khởi nghiệp xã hội suất sắc được vinh danh trong chung kết Cuộc thi Sáng tạo Xã hội 2017 (SOIN Challenge 2017) cuối tuần trước.

Các ý tưởng đều hướng tới giải quyết các vấn đề thời sự xã hội như xây dựng thương hiệu cho nông dân, nông sản Việt Nam; bảo vệ môi trường; dinh dưỡng cho người Việt; chăm sóc sức khỏe tâm lý, tâm thần cho thế hệ học sinh, sinh viên…dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Nền tảng SharingFarming- Sàn Nông dân 4.0, với giải pháp kết nối, xây dựng thương hiệu cho 13 triệu nông dân Việt Nam, đã giành giải startup quán quân khởi nghiệp sáng tạo xã hội. Bên cạnh đó, startup cũng ra đời nhằm giải quyết nhu cầu thực phẩm an toàn và rõ nguồn gốc của người tiêu dùng dựa trên nền tảng công nghệ truy xuất nguồn gốc, thực tế ảo, blockchain, hệ thống ứng dụng di động…

Startup SharingFarming và Connector giành thứ hạng cao trong cuộc thi khởi nghiệp xã hội SOIN Challenge 2017.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai dự án tại TP.HCM, tiếp đến là Bà Rịa Vũng Tàu và sau đó là Đồng bằng Sông Cửu Long để bà con nông dân tại đây có thể hưởng lợi từ dự án”, ông Võ Phi Vũ, nhà sáng lập startup sàn Nông dân 4.0 cho biết.

Giành giải Nhì là startup chatbot Connector – giải pháp kết nối nhu cầu hỗ trợ tâm lý của học sinh và các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý. Dự án kỳ vọng sẽ cải thiện chất lượng đời sống tinh thần và chung tay xây dựng trường học hạnh phúc cho học sinh Việt Nam. Startup Connector dự định sử dụng 40% tiền thưởng để phát triển công nghệ và các nội dung hỗ trợ tâm lý phù hợp với học sinh Việt Nam.

“Lĩnh vực hỗ trợ tâm lý còn khá mới mẻ tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ tìm và nghiên cứu các công cụ hỗ trợ tâm lý hiệu quả, đồng thời biên dịch và chuẩn hóa các nguồn tài liệu từ nước ngoài sao cho phù hợp với học sinh trong nước để cung cấp dịch vụ tốt nhất có thể”, Đặng Thị Hải Yến, sinh viên khoa Tâm lý giáo dục trường Đại học sư phạm Hà Nội, nhà sáng lập dự án chia sẻ.

Các sản phẩm sáng tạo, khởi nghiệp được sản xuất dựa trên khoa học – công nghệ mở ra xu hướng khởi nghiệp xã hội dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại tại Việt Nam.

Cùng nhận giải Ba là các startup Bavifa – Sản xuất phân hữu cơ an toàn bằng chế phẩm sinh học); Nutree Center – Trung tâm Đào tạo Dinh dưỡng Cộng đồng và GaT – ứng dụng trao đổi sách.

“Trong năm 2018 và 2019, đội sẽ xây dựng lại kế hoạch kinh doanh, tiến hành khảo sát để thấu hiểu khách hàng nhằm cung cấp các gói sản phẩm đáp ứng sát các nhu cầu cụ thể. Hai năm tới, startup sẽ tiếp tục triển khai các lớp học về dinh dưỡng, tiến tới cung cấp các gói tư vấn”, đại diện startup Nutree Center cho biết.

Các startup tham gia cuộc thi vừa phải đảm bảo tính khả thi trong mô hình kinh doanh, tính thực tế của sản phẩm, dịch vụ cung cấp ra thị trường cũng như phải có tính tác động xã hội, giải quyết một vấn đề xã hội cụ thể. Đây là giá trị cốt lõi mà SOIN Challenge hướng tới, cũng được dự báo là một xu hướng khởi nghiệp tiềm năng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu trong thời gian ngắn sắp tới, theo lời các chuyên gia.

Khởi nghiệp sáng tạo xã hội được các chuyên gia dự đoán là một trong những xu hướng khởi nghiệp nhiều tiềm năng ở Việt Nam trong tương lai

“Đây là kết quả xứng đáng cho các đội thi không chỉ có mô hình kinh doanh sáng tạo mà còn chứng minh được các tác động xã hội tích cực do mô hình này mang lại. Bên cạnh việc trao tặng vốn hạt giống, chúng tôi cam kết sẽ đồng hành cùng các ý tưởng trong thời gian tới nhằm giúp các bạn hoàn thiện hơn nữa mô hình kinh doanh của mình”, bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc CSIP, thành viên Ban giám khảo khẳng định.

Ngoài ra, 6 ý tưởng khởi nghiệp của các nhóm học sinh trung học phổ thông cũng nhận được đánh giá cao và giải thưởng từ chương trình trong hạng mục “Sáng tạo trẻ”. Cụ thể, G.L.A.M – Kính thông minh hỗ trợ di chuyển cho người khiếm thị; Mr.HANDY – Ứng dụng xây dựng thực đơn dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi; BeWAVE – Ứng dụng tương tác giữa giáo viên, học sinh và cha mẹ lần lượt giành các thứ hạng cao.

 

Các ý tưởng khởi nghiệp của các nhóm học sinh trung học phổ thông trong cuộc thi được đánh giá cao, đa dạng từ sản phẩm kính dành cho người khiếm thị, vòng tay cho trẻ tự kỷ đến sáng kiến xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón vi sinh.

Bên cạnh đó, các ý tưởng CURA – Vòng tay cho trẻ tự kỷ; Young Creative Center – Trung tâm sáng tạo khơi dậy đam mê và sự sáng tạo của giới trẻ và HILITES – Xử lí rác thải hữu cơ thành phân bón vi sinh trong đô thị được đánh giá tiềm năng.

G.L.A.M đang thử nghiệm sản phẩm kính dành cho người khiếm thị trước hội đồng Ban Giám khảo.

Bắt đầu từ tháng 9/2017, sau ba tháng phát động, cuộc thi đã nhận được gần 150 hồ sơ đăng ký tham dự trên cả nước. Trong đó, 81 hồ sơ ở hạng mục Sáng tạo không giới hạn và 68 hồ sơ đến từ hạng mục Sáng tạo trẻ dành cho học sinh Trung học phổ thông.

Theo VnExpress