Trong lần đầu tổ chức kết nối, 10 doanh nghiệp nông nghiệp đã hăng hái đưa ra đề bài để cộng đồng startup tại TP HCM cung ứng giải pháp.
“Diện tích nhà màng nông nghiệp ngày càng mở rộng và được ứng dụng rộng rãi trong trồng trọt nông nghiệp kỹ thuật cao. Tuy nhiên, sau vài năm sử dụng, mái nhà màng bị bụi bám nhiều, làm giảm khả năng truyền sáng. Hoạt động rửa mái thủ công rất mất thời gian và chi phí”, ông Nguyễn Hồng Đăng Khoa – Giám đốc công ty Trí Nguyễn nêu trăn trở và đặt hàng các startup công nghệ chế tạo một loại robot làm sạch nhà màng.
Không chỉ ông Khoa, còn có 4 doanh nghiệp nông nghiệp khác cùng nêu hơn chục đặt hàng trong buổi công bố chương trình “Kết nối doanh nghiệp nông nghiệp và startup công nghệ” diễn ra sáng 24/10. Đây là lần kết nối đầu tiên được Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) phối hợp cùng Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao (DAA) và Diễn đàn Kinh tế Tư nhân tổ chức.
Một loạt các đặt hàng như giải pháp theo dõi sâu bệnh tự động trong trồng cây thủy canh, tiết kiệm năng lượng trong trồng và chế biến đông trùng hạ thảo, hệ thống tưới, gieo hạt và thu hoạch cây lấy củ cơ động trên diện tích lớn… lần lượt được phía các nông trại đưa ra.
Thậm chí, ý tưởng cho thuê đất để các hộ gia đình đến tự trồng trọt của anh Phạm Công Chính – Giám đốc Rau sạch Tám khỏe đã tìm được ngay tại chỗ đối tác startup có sẵn giải pháp.
Buổi gặp gỡ này chỉ là mở màn. Thực tế, từ 10/10, chương trình kết nối đã được khởi động bằng việc kêu gọi các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và startup đăng ký tham gia.
Trong giai đoạn tiếp theo, từ ngày 20/10 đến 15/11, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 doanh nghiệp có nhu cầu thực tế cần được giải quyết và 20 startup có các ý tưởng, dự án phù hợp nhất. Riêng với startup, để lọt vào top 20 thì họ cần phải thuyết trình và phản biện với hội đồng tuyển chọn.
Bà Trương Lý Hoàng Phi – Giám đốc BSSC cho biết, việc chọn cách kết nối khác đi, tức là mời nhà nông nêu trăn trở và nhu cầu thực tế để startup giải bài toán nhằm hướng đến hiệu quả thực chất hơn. Việc này cũng giải quyết được hạn chế lâu nay là các startup đưa ra các giải pháp thiếu thực tế, đổ công sức vào những vấn đề mà nông dân và ngành nông nghiệp không thật sự cần.
“Suốt quá trình lắng nghe băn khăn của các startup hướng đến cung cấp giải pháp công nghệ vào nông nghiệp thì một trong những vấn đề dễ nhận thấy là niềm tin chưa đủ lớn giữa bên bán giải pháp và bên mua giải pháp. Điều này tạo ra khoảng cách, làm hai bên khó đồng hành cùng nhau. Doanh nghiệp nông nghiệp vẫn muốn có thể tối ưu hóa quy trình sản xuất, tìm giải pháp mới trong khi startup công nghệ thì cứ loay hoay bài toán thuyết phục, thử nghiệm và bán giải pháp”, bà Phi chia sẻ.
Thậm chí, sau khi kết quả 10 doanh nghiệp nông nghiệp và 20 startup được công bố vào 17/11 tới tại Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Việt Nam 2017, chương trình kết nối vẫn chưa dừng lại.
Các startup sẽ được đến trang trại của 10 doanh nghiệp để triển khai giải pháp trực tiếp trong vòng 2 tuần. Sau thời gian đó, startup và doanh nghiệp sẽ cùng ngồi lại đánh giá kết quả để quyết định tiếp việc có hợp tác lâu dài hay không.
“Chúng tôi mong muốn tạo đầu ra cho startup, để họ không phải đi bán khắp thế giới. Thống kê cho biết vẫn còn 65% người dân trong nước làm nông nghiệp. Trong khi đó, công nghệ ứng dụng tại các nông trại ở Việt Nam vẫn còn mang tính tự phát và chưa có quy chuẩn. Tiềm năng và nhu cầu về thị trường công nghệ cho nông nghiệp vẫn còn rất lớn”, ông Nguyễn Đức Tùng – Phó tổng thư ký DAA nói.
Theo VnExpress