Rất nhiều cá nhân, chủ doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) trong phong trào nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp hiện nay đang có những lầm tưởng chết người. Theo các chuyên gia tài chính và quản trị, nếu không bỏ đi các suy nghĩ lệch lạc này, startup sẽ không thể nào… qua được vòng gửi xe khi tìm đến các nhà đầu tư khi gọi vốn.
Chia sẻ bên lề buổi tọa đàm “Kết nối vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp”. Ảnh: Thành Hoa
Những điều cần suy nghĩ lại
Tại buổi tọa đàm với chủ đề: “Kết nối vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp” do nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức tuần rồi, ông Vũ Tuấn Anh, Trưởng dự án Khởi nghiệp cộng đồng, Công ty cổ phần tập đoàn Hoa Sen, chia sẻ ông từng biết một dự án đã thất bại trong chuyện nhận vốn từ nhà đầu tư vì người sáng lập… bảo thủ. Chuyện là, dự án này nhận được đề nghị từ một quỹ đầu tư về việc sẽ bỏ vào 500.000 đô la Mỹ với điều kiện là startup này phải có năng lực vận hành và sinh lời. Nhà đầu tư yêu cầu người sáng lập dự án fintech này rút ra để thuê giám đốc điều hành chuyên nghiệp. Tuy nhiên, người sáng lập nhất định không đồng ý. Cuối cùng, nhà đầu tư rút lui, khoản tiền 500.000 đô la Mỹ vì vậy cũng đi theo.
Chuyên gia tái cấu trúc và quản trị doanh nghiệp Hồ Trọng Lai, đại diện Công ty Tư vấn và Đầu tư Waterstone Capital Partners LLC (USA), người đã có rất nhiều năm làm việc với các startup ở Mỹ cũng như ở Việt Nam nhận định, trường hợp như câu chuyện về người sáng lập bảo thủ kể trên trong thực tế không ít. Việc người sáng lập muốn làm điều hành, muốn cầm trịch dù không có thế mạnh này là một trong nhiều suy nghĩ chưa thấu đáo của giới startup hiện nay. Nhiều người hoàn toàn không phân biệt được người sở hữu và người điều hành. Thậm chí, nhiều người còn nghĩ quỹ đầu tư bơm vốn vào thì muốn làm gì thì làm nhưng lại không biết cách làm. Các nhà đầu tư, rõ ràng rất không thích điều này vì nguyên tắc tối thượng của họ là tiền phải “đẻ ra tiền” và phải được người chuyên nghiệp thực hiện. Sở dĩ có tình trạng này, cũng một phần do hầu hết các nhà khởi nghiệp là dân kỹ thuật nên thiếu kiến thức về tài chính, tiếp thị… “Nhiều người trong số họ không biết những kiến thức cơ bản như điểm hòa vốn, các chỉ số trong báo cáo tài chính…”, ông Lai kể.
Bên cạnh đó, theo ông Lai, còn rất nhiều suy nghĩ lệch lạc khác đang tồn tại. Chẳng hạn như suy nghĩ vốn ít thì dễ gọi. Suy nghĩ như thế là hoàn toàn sai bởi các quỹ tư nhân đầu tư là để sinh lời, sinh lời nhiều thì họ bỏ tiền nhiều, họ không phải là người đi làm từ thiện nên không có chuyện tiền bỏ ra ít thì dễ chấp nhận mất. Cốt lõi ở đây phải là gọi vốn làm gì và mang lại lợi ích gì cho nhà đầu tư.
Cũng có không ít người khởi nghiệp sợ bị chiếm đoạt ý tưởng. Theo ông Lai, tiền của nhà đầu tư là thật và đừng sợ họ vào sẽ đá mình ra bởi vì họ có nhiều việc để làm. Để tránh chuyện xấu có thể (hiếm hoi) xảy ra thì cần chọn đúng nhà đầu tư tài chính (với nguyên tắc là đồng hành lúc đầu và thoát ra khi đã thu lời), tránh những nhà đầu tư cùng ngành (thường có mục đích thâu tóm).
Nhiều nhà khởi nghiệp cũng thường ra giá quá cao ý tưởng của mình vì cứ nghĩ ý tưởng đó là độc nhất vô nhị và không có cơ sở định giá.
Cũng theo ông Hồ Trọng Lai, từ thực tế làm việc, ông nhận thấy các startup ở Việt Nam chưa nắm rõ quy trình gọi vốn, thiếu các kỹ năng cần thiết như viết bản đề nghị kinh doanh trong khi đây là yếu tố sống còn. Khi gặp nhà đầu tư, nhiều người lại chỉ nói những gì mình muốn mà không nói những gì người đối diện muốn nghe. Nhiều người thì tự tin đến phản cảm, có người lại tự ti đến mức nhà đầu tư ngán ngại. Đặc biệt, gặp quỹ đầu tư nhưng rất nhiều người không có đề nghị cụ thể về những con số, cũng không thể thuyết phục được người quan tâm bằng sự quyết tâm, máu lửa. “Các nhà đầu tư không có thời gian cho những dự án thiếu cụ thể. Và họ chỉ là người bỏ tiền nên không muốn đi cùng để dạy dỗ. Vì vậy, các startup phải chứng tỏ được quyết tâm, sự sống – chết đến cùng để các nhà đầu tư nhìn vào. Có như vậy thì họ mới dám giao tiền cho mình”, ông Lai nói. Đó là chưa kể nhiều dự án gọi vốn không hề có phần kế hoạch chuẩn bị nhân sự cho việc triển khai (yếu tố quyết định tất cả) mà toàn tập trung vào kỹ thuật, không biết về mô hình kinh doanh…
Gõ đúng cửa, kết nối đúng nơi
Ông Hoàng Đức Trung, Giám đốc đầu tư cao cấp của Quỹ Đầu tư DFJ – VinaCapital, quỹ chuyên đầu tư mạo hiểm vào các dự án công nghệ, cho biết trong bối cảnh các quỹ khởi nghiệp của Nhà nước đang vướng về cơ chế thì các quỹ đầu tư tư nhân là lựa chọn khả dĩ, phù hợp với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Vấn đề quan trọng là, các startup phải hiểu rõ cách thức hoạt động, “khẩu vị” của từng quỹ để tìm đến đúng nơi.
Theo ông Trung, các quỹ đầu tư tư nhân hoạt động hướng đến mục tiêu lợi nhuận nên luôn có giới hạn về thời gian khi đầu tư. Doanh nghiệp khởi nghiệp cần vốn nhưng cần hiểu rõ, vốn là gì. Bởi lẽ, vốn không chỉ là tiền. Với nhiều quỹ, vốn lại là mối quan hệ, kiến thức, kinh nghiệm. Khi tìm đến quỹ thì doanh nghiệp phải nói rõ cho nhà đầu tư: cần bao nhiêu, cần bao lâu, sẽ dùng vốn đó như thế nào, tại sao lại quan tâm đến quỹ này, sẽ đánh đổi những gì cho quỹ? Trả lại vốn cho quỹ bằng gì? Tiền hay cổ phần lớn hơn khi đã ra thị trường?… Tức là, mọi thứ phải rất rõ ràng ngay từ đầu. Các quỹ như DFJ – VinaCapital không cần doanh nghiệp phải vẽ mọi thứ lên giấy vì 80% không được đọc bản kế hoạch đó, phải là nói chuyện trực tiếp. Mục đích là hiểu rõ từ ý tưởng đến sản phẩm, những người khởi nghiệp sẽ hiện thực hóa thế nào, những ai sẽ triển khai… Và một điểm nữa các quỹ đầu tư nhìn vào là sự quản lý chặt chẽ từ trên xuống dưới, từ đầu đến đuôi. Giả dụ, ở lĩnh vực khởi nghiệp bằng công nghệ, mọi thứ chắc chắn sẽ rất mới mẻ và chính sách quản lý nhiều khi chưa theo kịp. Nhưng, người khởi nghiệp ở lĩnh vực này phải minh bạch và lường trước những gì có thể xảy ra. “Tóm lại, có ba việc mà nhà đầu tư cần chú ý, đó là cách xây dựng công ty; khả năng thực thi kế hoạch vì rõ ràng không ai “thảy” cục tiền xuống bàn rồi bỏ đi mà họ phải đo lường được hiệu quả cụ thể; và đội làm việc, tức nhân sự thực hiện”, ông Trung nói.
Nhưng sau tất cả, theo ông Trung, nguyên tắc cốt tử là “phải kiên trì”. Tức là, doanh nghiệp khởi nghiệp sau khi gửi hồ sơ đi phải biết chờ đợi. Có thể quỹ gặp hoặc không. Và nếu lỡ không được gặp thì nhớ nửa tháng sau “quẹo lại”. Bởi lẽ, không có một công ty nào đi gặp nhà đầu tư một lần mà được ngay. Và chính sự gặp đi gặp lại sẽ giúp chỉnh sửa kế hoạch ngày càng hoàn thiện hơn.
Ông Hồ Trọng Lai phân tích, hiện tại, nhiều người vẫn còn lẫn lộn về doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và doanh nghiệp khởi nghiệp. Nếu xét về quy trình thì doanh nghiệp khởi nghiệp là có ý tưởng, làm sản phẩm hàng hóa và dịch vụ rồi đưa ra thị trường, bán hàng hóa. Vậy thì từ khâu ý tưởng đến sản phẩm có thể là khởi nghiệp. Nhưng khi đã có sản phẩm bán ra thị trường thì đã hoạt động như một SME. Vấn đề là, 90% doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng thất bại. Trong khi đó, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp chuyên cho vay để kiếm lợi nhuận, chịu áp lực kinh doanh. Chuyện họ sợ mất vốn là đương nhiên. Vì vậy, trong giai đoạn khởi nghiệp thì rõ ràng phải dùng vốn tự có, vốn của các “nhà đầu tư thiên thần”, có thể chính là bố mẹ, anh chị em… Các nhà đầu tư này thường đầu tư ít nhưng chấp nhận mạo hiểm và sẵn sàng mất vốn. Kế đến là các quỹ đầu tư tư nhân. Lúc này, doanh nghiệp khởi nghiệp cần vốn, không phải vay (tức là phải trả gốc lẫn lời) nên đừng tìm đến ngân hàng. “Từ ý tưởng hãy chuyển thành sản phẩm mẫu để các bạn chào cho nhà đầu tư thiên thần. Ý tưởng thời nay rất rẻ, đó là chưa kể bạn chưa kịp ra thì đã bị người khác ăn cắp”, ông Lai thẳng thắn. Sau đó, theo ông Lai, khi đã lớn rồi thì doanh nghiệp sẽ được các nhà đầu tư khác vào, rồi có thể lên sàn chứng khoán. Lúc này, các ngân hàng sẽ sẵn sàng cho vay.
Ông Hồ Trọng Lai và ông Hoàng Đức Trung cũng đều lưu ý, khi gọi vốn, nếu startup “trưng” ra các con số về doanh thu (tức sẽ kiếm được bao nhiêu tiền) thì chắc chắn sẽ không thuyết phục được các nhà đầu tư. Bởi đó là con số của thì tương lai. Do vậy, “bí kíp” là phải có chứng cớ cụ thể và nói một cách khôn khéo. Chẳng hạn như phải có một số bản ghi nhớ làm việc với khách hàng nào đó hoặc nói về chiến lược phát triển khách hàng, có thêm bao nhiêu người sử dụng sản phẩm trong thời gian cụ thể… Đây là những cơ sở để cho thấy tiềm năng về doanh thu, hiệu quả có thể đạt được.
Một “bí kíp” khác là có thể sang một nước khác, ví dụ Singapore là cái tên rất đáng quan tâm để gọi vốn. Điều này, vì nhiều lý do. Thứ nhất là vấn đề về sở hữu trí tuệ đăng ký ở Singapore rất tốt. Thứ hai là có văn phòng tại Singapore (dù mọi hoạt động đều ở Việt Nam) sẽ giúp việc tiếp cận quỹ đầu tư dễ dàng hơn. Tất nhiên, mức độ cạnh tranh vì thế cũng lớn nhưng các quỹ rất thích doanh nghiệp tại Singapore vì mọi thông tin minh bạch, rạch ròi, dễ tra cứu, không lòng vòng. Quan trọng hơn là công ty ở Singapore được đánh giá, định giá cao hơn ở Việt Nam. Các dự án về fintech lại càng được hứng thú.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn