Nền tảng cho phép những người không rành công nghệ có thể tự tạo ứng dụng và kinh doanh nội dung số trên di động.
Hoàng Cường là kỹ sư xây dựng tại Hà Nội. Năm 2016, anh nghỉ việc để ở nhà trông con cho vợ đi làm. Lần đầu lên chức cha, Cường cũng lóng ngóng như bao người khác. Anh lên mạng lùng sục và tham khảo nhiều thông tin để giúp cho việc chăm sóc con tốt hơn. Những lần tra cứu đó đã biến Cường thành chuyên gia trong vai trò “ông bố bỉm sữa”. Anh tìm được nhiều tài liệu đắt, hữu ích và rất mong muốn chia sẻ những bí kíp này cho cộng đồng.
Vào thời điểm đó, Cường có dịp trò chuyện với Đỗ Nguyễn Duy Khang, đồng sáng lập eHubly. Đây là nền tảng giúp mọi người tạo ứng dụng trên di động và xuất bản nội dung số mà không cần kiến thức sâu về công nghệ. Khang gợi ý Cường thử tạo ứng dụng trên eHubly, hai tháng đầu đã có gần 20.000 lượt tải. Thành công đó khiến Cường mạnh dạn đầu tư làm khóa học online thu phí cũng trên ứng dụng, có lúc kiếm được trên 5.000 USD một tháng.
Câu chuyện thành công của Cường trở thành ví dụ điển hình của eHubly do Khang cùng anh Nguyễn Lưu Quốc đồng sáng lập năm 2015. Quốc đã có gần 20 năm kinh nghiệm làm giám đốc công ty phần mềm cũng như cố vấn cho nhiều công ty lớn. Khang từng học công nghệ thông tin nhưng có năm năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh và marketing. Hai người với những thế mạnh khác nhau bắt tay cùng xây dựng một nền tảng còn rất mới tại Việt Nam, theo mô hình SMAC (xã hội, di động, phân tích, đám mây).
Lý do chọn ứng dụng rất thức thời. Như lời Khang nói, sau kỷ nguyên web sẽ là di động và tiếp đến là chat bot, trí tuệ nhân tạo. “Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện chưa có nền tảng hỗ trợ xuất bản nội dung số để giúp cho hoạt động marketing, kinh doanh hay phát triển thương hiệu. Nhiều người không biết code không thể tiếp cận với mô hình này. Vì vậy chúng tôi quyết định xây dựng nền tảng”.
Ứng dụng của anh Hoàng Cường thu hút hàng chục nghìn lượt tải trên iOS và Android.
Chỉ cần động tác kéo thả đơn giản, người dùng có thể ngay lập tức tạo một ứng dụng cho riêng mình. Các tính năng có thể được tùy chọn dựa vào nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. Đội ngũ của eHubly sẽ hỗ trợ trực tuyến trong khâu thiết kế, xây dựng, xuất bản, quảng cáo cũng như duy trì tương tác với người dùng.
Điểm nổi trội của ứng dụng chính là tính năng thông báo. “80% khách hàng sẽ nhận được thông báo mới từ app của bạn ngay tức thì vì chính bản thân họ đã chấp nhận khi được gợi ý. Liên tục có nội dung mới và thú vị sẽ giúp khách hàng của chúng tôi duy trì độ ổn định và có khả năng thu tiền từ hoạt động trên app”, Khang cho biết.
Đồng sáng lập chia sẻ toàn bộ hệ thống nền tảng được đặt trên hệ thống Cloud Microsoft để mang lại tính ổn định, an toàn, bảo mật và hỗ trợ tối đa từ công ty công nghệ số một thế giới. Cái khó nằm ở chỗ thuyết phục người dùng với một xu hướng khá mới mẻ tại Việt Nam. Nhiều người còn hồ nghi trong việc tự tạo app mà không cần có kiến thức hay kỹ năng chuyên sâu về công nghệ.
Kinh nghiệm tiếp xúc với khách hàng của Khang cho thấy mọi người khá thú hút với cái hay của ứng dụng nhưng còn đặt ra nhiều dấu hỏi về độ thực tế. “Bởi khách hàng cần sự an toàn, đảm bảo về giá trị, quyền lợi và nhiều yếu tố khác ở một sản phẩm hoàn toàn mới mà trước đó chưa có ai làm”, anh giải thích.
Để giải quyết, Khang và cộng sự tổ chức nhiều buổi giới thiệu và chạy thử sản phẩm. Họ tìm được nhiều khách hàng như ca sĩ Mỹ Tâm, FaMiEdu, Kho sách nói, Hiểu về trái tim, Manh Hung Wedding… Dù phát triển tại thị trường Việt Nam, họ cũng có vài khách hàng nước ngoài đến từ Mỹ và Thụy Điển.
Tất cả nguồn quỹ của dự án đều do hai nhà đồng sáng lập bỏ tiền túi. Họ không có nhả đầu tư và hiện chưa có ý định kêu gọi nhà đầu tư. Không phải thiếu tham vọng, EHubly là giấc mơ vươn tầm quốc tế của Quốc và Khang. Nhưng chiến lược của họ là hoàn thiện sản phẩm tới thang điểm 8-9, trong khi tự nhận mình đang ở mức 6-7.
“Đến khi nền tảng và mọi thứ đủ mạnh mới là lúc cần tiền để bùng lên mạnh mẽ. Đó là cả quá trình chứ không phải một cú nhảy trong một ngày bởi sẽ rất dễ vỡ trận. Vì vậy chúng tôi cần thêm thời gian để hoàn thiện mình trước khi kêu gọi nhà đầu tư”, đồng sáng lập chia sẻ.
Đến tháng thứ 18, công ty mới có lợi nhuận ở bước ban đầu. Hành trình dài hơi vẫn chỉ mới bắt đầu nhưng giờ đội ngũ của eHubly đã có 20 người so với con số tám ít ỏi ban đầu. Mục tiêu hiện tại là ngày càng hoàn thiện về nền tảng và hạ tầng bởi họ tâm niệm với ứng dụng điều quan trọng nhất là ở trải nghiệm của người dùng. Tiếp đến sẽ đẩy mạnh bán hàng hay marketing.
Lộ trình được vạch ra cụ thể để đi đến thang điểm 8-9, mốc son tìm kiếm nhà đầu tư. Hai nhà đồng sáng lập không ngả nghiêng về con đường này, dù cơ hội được đầu tư là rất khả dĩ trong thời điểm hiện tại. “Phải làm sản phẩm tốt thật sự đã rồi mới nghĩ xa. Một khi đã tốt thì khách hàng sẽ tìm đến mình. Lúc đó việc thu hút đầu tư và mở rộng kinh doanh là rất dễ dàng, không cần phải quá vội”, Khang lý giải.
Theo VnExpress