Vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp lần 3 vừa chính thức khép lại với ngôi quán quân thuộc về dự án Than không khói.
Than không khói là một loại than do nhóm startup do Lê Thị Hiền đứng đầu nghiên cứu chế tạo. Nguồn nguyên liệu làm than được tận dụng từ phế thải nông nghiệp như gáo dừa, vụn than trắng. Than thành phẩm có thể dùng trong các nhà hàng nướng và giúp phụ nữ sinh nở “xông” trong quá trình ở cự nhờ độ an toàn.
“Có 9.000 tấn gáo dừa thải ra ở Bến Tre mỗi tháng. Để tạo ra một sản phẩm than khắc phục nhược điểm khói, tia lửa, mùi và khí thì nhóm đã nghiên cứu ra sản phẩm than với 4 không là không khói, không mùi, không nổ và đặc biệt là không sử dụng keo dùng trong quá trình kết dính”, chị Lê Thị Hiền – đại diện dự án cho biết.
Dự án Than không khói giành giải nhất cuộc thị Dự án Khởi nghiệp Nông nghiệp lần 3.
Hiện tại, dự án đã thành lập được công ty và bước đầu thương mại hóa thành công. Sản phẩm đang được đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật và cả trong nước. Cụ thể, đã có một container than không khói xuất đi nước ngoài. Ở thị trường nội địa, sản phẩm này đã cung ứng cho một số hệ thống nhà hàng nướng lớn tại TP HCM như như Sườn Cây, Mr Park…và đang làm việc với Gogi BBQ và King BBQ.
“Theo khảo sát, mỗi tháng, TP HCM đang có khoảng 229 quán BBQ nhỏ có nhu cầu dùng 1.050 tấn than và các sản phụ có nhu cầu dùng 80 tấn than. Bên cạnh đó là 16 chuỗi nhà hàng nướng lớn với khả năng tiêu thụ 320 tấn than hàng tháng”, chị Hiền nói về triển vọng của thị trường.
Với ngôi quán quân, dự án sản xuất Than không khói (TP HCM) giành giải thưởng 50 triệu đồng. Hai giải nhì trị giá 20 triệu đồng mỗi giải thuộc về các dự án Máy nông nghiệp đa năng Thành Ngân của Nguyễn Văn Tuấn (Bắc Kạn) và Dự án sản xuất Chế phẩm vi sinh từ bột bã mía phục vụ nuôi tôm thâm canh của Trần Phúc Hậu (Bến Tre).
Các dự án Vườn sinh thái Ngọc Trà của Nguyễn Thị Bích Ngọc (Thái Nguyên) và Hồ tiêu Ngũ sắc của Lại Thị Bích (Gia Lai) đồng hạng 3.
Tổng cộng, 11 dự án gồm nhất, nhì, bà, khuyến khích và 2 dự án gồm Xây dựng Nhà truyền thống người Chăm của Trương Ngọc Thuỳ An (An Giang) và H’Mong Hom của Vừ A Ly (Sơn La) đã nhận được học bổng là chuyến tập huấn, tham quan mô hình “Một làng một sản phẩm (OTOP)” tại Thái Lan.
Theo đánh giá của đại diện Ban giám khảo, vòng chung kết cuộc thi ghi nhận các dự án có tính sáng tạo, đổi mới trong việc sản xuất, kinh doanh. Các dự án cũng bám sát với lĩnh vực nông nghiệp, khai thác tốt nguồn tài nguyên bản địa. Tuy nhiên, do còn non trẻ nên các chủ dự án còn nhiều hạn chế, cần phải cải thiện hơn để chinh phục và đáp ứng tốt thị trường.
Theo VnExpress