Nhìn vào thị trường bán lẻ 100 triệu dân, KiotViet quyết định thay vì phân tán nguồn lực hướng tới “go global”, mục tiêu của startup này đó là phải tối ưu hóa sản phẩm cho người dùng trong nước trước.
Nếu như các công ty công nghệ đời đầu tại Việt Nam chủ yếu thường làm outsource cho các dự án nước ngoài, thì nay nhiều startup thời nay đã bắt đầu làm sản phẩm hướng tới thị trường quốc tế, thậm chí là ngay từ khi mới thành lập.
Chiến lược “Go global” này được xem là phù hợp với bản chất của các startup, vốn chủ yếu tập trung tronng lĩnh vực công nghệ. Có thể kể tới hàng loạt cái tên như Designbold (công cụ thiết kế), Money Lover (ứng dụng quản lý tài chính cá nhân), Beeketing (nền tảng marketing tự động), GotIt! (nền tảng hỏi đáp), Umbala (ứng dụng quay video tự hủy tương tự Snapchat), ELSA (ứng dụng học tiếng Anh),… đang theo đuổi chiến lược này.
Theo các nhà sáng lập startup công nghệ tại Việt Nam, nguyên nhân chủ đạo của xu hướng “go global” đến từ vấn đề thị trường. Các startup này cho rằng thị trường Quốc tế có quy mô lớn, lại đỡ tốn công “educate” (đào tạo người dùng). Thêm vào đó, startup công nghệ vốn hoạt động dựa trên môi trường Internet không biên giới, hoàn toàn thích hợp để “go global”.
Vì Việt Nam là nước đi sau, nên trên thực tế, cách làm của các startup Việt trên đã được chứng minh là đúng đắn, tương tự như con đường các startup tại Singapore, Malaysia hay Úc đã và đang làm.
Rất nhiều startup Việt đang chọn con đường Go global
Tuy nhiên, việc quá tập trung vào thị trường quốc tế khiến các startup Việt xao nhãng thị trường trong nước, vốn cũng rất tiềm năng.
Vẫn biết với startup công nghệ, việc phát triển có thể được xem như là không biên giới nhưng để tập trung “go global”, các startup Việt cũng phải đầu tư xây dựng được những sản phẩm đạt chuẩn toàn cầu, sở hữu đội ngũ marketing đủ mạnh, hay phải hỗ trợ người dùng bằng tiếng Anh,… Việc đầu tư phân tán sẽ khiến các startup khó dồn nguồn lực vào hỗ trợ người dùng trong nước, vốn có tính địa phương hóa cao hơn.
Có đúng là thị trường trong nước không có gì màu mỡ đáng để các startup quan tâm tới? Ông Đỗ Tuấn Anh, giám đốc kinh doanh của KiotViet – một startup công nghệ cung cấp giải pháp quản lý bán hàng cho rằng, trong một số lĩnh vực, tiềm năng thị trường của Việt Nam cũng không thua kém gì thế giới.
“Ngay tại Việt Nam cũng có rất nhiều thị trường tiềm năng. Lấy ví dụ như ngành bán lẻ, chúng ta đang có một thị trường rộng lớn phục vụ gần 100 triệu dân, một ‘mỏ vàng’ rất lớn đang cần được khai thác”, ông Tuấn Anh cho biết.
Đó là lý do mà ngay từ khi ra đời, mục tiêu của KiotViet đã không phải “go global” mà là thị trường bán lẻ trong nước.
Thống kê của AC Neilson cho biết, toàn quốc hiện có 1,3 triệu cửa hàng bán lẻ. Nhưng chưa tới 30% cửa hàng tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, và chưa tới 10% tại các tỉnh khác sử dụng phần mềm cho việc quản lý bán hàng. Trừ một phần rất nhỏ những chuỗi lớn mua phần mềm nước ngoài cung cấp hoặc tự xây dựng phần mềm quản lý riêng, còn trên 90% các cửa hàng nhỏ lẻ tại Việt Nam vẫn dùng cách thức truyền thống như sổ ghi chép, cao cấp hơn là excel để quản lý. Đây rõ ràng là một thị trường tiềm năng cho các startup Việt.
“Chỉ cần chúng tôi chiếm được một phần trong số hàng triệu cửa hàng kia, số tiền thu về đã là rất lớn”, ông Tuấn Anh ước tính.
Có thể hình dung, các quán internet sử dụng các phần mềm như CSM, Gcafe, thì ở mảng bán lẻ các cửa hàng sử dụng KiotViet để quản lý. Tuy nhiên, điểm khác biệt là thị trường KiotViet lớn hơn rất nhiều. Theo ông Tuấn Anh, kể cả trên thế giới, cũng không có nhiều thị trường bán lẻ phục vụ tới 100 triệu dân như ở Việt Nam. Vì vậy thay vì phân tán nguồn lực hướng tới “go global”, mục tiêu của KiotViet đó là phải tối ưu hóa sản phẩm cho người dùng trong nước trước.
Ông Đỗ Tuấn Anh, giám đốc kinh doanh của startup KiotViet
Thế nhưng, bài toán của thị trường trong nước cũng không đơn giản. Nhiệm vụ đặt ra cho KiotViet đó là phải giải quyết những khó khăn của người làm kinh doanh mà phương pháp quản lý thủ công không thể giải quyết được. Chẳng hạn như thống nhất phương thức quản lý tại nhiều cửa hàng khác nhau, quản lý cửa hàng từ xa, thống kê chính xác các số liệu trong cửa hàng, hay nâng cao năng suất lao động cho nhân viên trong cửa hàng…
“Khách hàng cũng có rất nhiều mục tiêu khác nhau. Có những người gặp khó khăn khi quản lý 4 – 5 cửa hàng một lúc,cũng có những người lại chỉ mở một cửa hàng và muốn nó vận hành trơn tru nhất có thể. Chúng tôi phải làm sao để thỏa mãn cả 2 nhóm khách hàng trên, với chi phí rẻ nhất có thể”, ông Tuấn Anh cho biết.
Tối ưu hóa chi phí cho khách hàng cũng là một bài toán đau đầu khác của KiotViet, đặc biệt là với những người dùng vốn quen với những phương thức quản lý miễn phí trước đó. Theo ông Tuấn Anh, quá trình thuyết phục phải diễn ra kiên trì, từ từ khi thị trường thuần thục hơn để chờ cơ hội “bùng nổ”.
Hiện tại, sau 4 năm ra đời, KiotViet cho biết đã “chinh phục” được 30.000 cửa hàng trên toàn quốc. Sở hữu 30.000 cửa hàng đóng phí thường xuyên là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy chiến lược “bỏ Quốc tế, về nội địa” của KiotViet là đúng hướng. Tuy nhiên, nhà quản lý của startup Việt cũng cho rằng, 30.000 cửa hàng, nếu so sánh với 1,3 triệu cửa hàng trên toàn quốc vẫn là con số rất nhỏ, và tiềm năng của KiotViet còn có thể đi xa hơn rất nhiều.
“Tối ưu hóa những tiện ích theo nhu cầu khách hàng sẽ là ưu tiên hàng đầu của KiotViet. Chúng tôi hiểu rằng khách hàng của mình càng giàu thì mình sẽ càng lớn mạnh”,ông Tuấn Anh cho biết.
Theo Chu Lang – Trí Thức Trẻ