Vừa trở về từ Hàn Quốc, chuẩn bị cho việc mở văn phòng đại diện tại Seoul, đồng thời song song khai trương văn phòng mới tại Jakarta (Indonesia), Dương Thế Vinh đang chuẩn bị cho bước đi mới của start-up Việt bước ra thị trường thế giới.
Là đồng sáng lập của Cititech và Womi Technology, Dương Thế Vinh với trải nghiệm 8 năm “lăn lộn” trong lĩnh vực công nghệ thông tin, anh tự tin mang nhiều sản phẩm công nghệ Việt Nam ra đấu trường quốc tế.
Liên tục sáng tạo
Ở tuổi 25, Dương Thế Vinh đã có thành tích 8 năm “lăn lộn” trong lĩnh vực công nghệ thông tin và là một trong những người tiên phong ở Việt Nam nghiên cứu trí thông minh nhân tạo AI (Artificial Intelligence) ứng dụng vào các lĩnh vực của đời sống. Anh cũng là co-founder cho các dự án veva.vn, beautydaily.vn, Spalova.vn, Grabhotel, Cititech, Womi, citihub…
Tuy nhiên để có vị thế như hiện nay, co-founder của Cititech này cho biết, anh đã nhiều lần nếm mùi thất bại. Vinh kể lại, anh đã bỏ học ngay năm thứ 3 của ĐH FPT để đi làm tại các công ty công nghệ lần lượt là Naiscorp, Vega và Ringier trước khi khởi nghiệp. Sản phẩm đầu tiên của anh và cộng sự là hai website đánh giá mỹ phẩm veva.vn và sàn thương mại điện tử mỹ phẩm Hàn Quốc beautydaily.vn, nơi anh thành lập công ty Slife Media vào năm 2012. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành đến năm 2015, team của anh quyết định rút khỏi thị trường và bán thành tựu cho Tập đoàn C&K Holding của Hàn Quốc khi công ty này có ý định tấn công vào thị trường Việt Nam.
Sau dự án đầu tiên làm cùng cộng sự Dainiel Park thu được khoản tiền lớn, Vinh tiếp tục phát triển các dự án tiếp theo như Spalova.vn – trang web đánh giá các spa và đặt dịch vụ chăm sóc da, thư giãn. Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động, Vinh trực tiếp đến gặp các chủ Spa và nhanh chóng nhận ra, thị trường Việt Nam chưa có nhu cầu này, các chủ spa chưa có quy mô đủ lớn để cần hệ thống đặt dịch vụ trực tuyến nhằm quản lý các hoạt động. Sản phẩm của anh nhanh chóng đi vào ngõ cụt và thất bại.
“Khởi nghiệp là một bài toán khó. Mỗi dự án lại có cách giải khác nhau, không phải cứ có kinh nghiệm rồi là sẽ thành công mà phụ thuộc vào nhiều yếu tố”, Vinh tự mình đúc kết bài học.
Yếu tố quan trọng nhất trong khởi nghiệp theo Dương Thế Vinh, chính là phải liên tục có sản phẩm mới nổi trội, nhưng quan trọng hơn nữa là khách hàng và thị trường. Luôn phải suy nghĩ xem, mình làm sản phẩm đó cho ai, đâu là người sử dụng cuối cùng. Anh chia sẻ, các start-up khi bắt đầu thường rất hăng hái và tâm huyết với sản phẩm, nhưng thường ít quan tâm nghiên cứu kỹ về tâm lý cũng như nhu cầu của người dùng nên kết cục dễ đoán trước.
Sau những va vấp, Vinh và một người anh nữa tiếp tục sáng lập Cititech Technology, tập trung vào mảng sản xuất ứng dụng trên di động (mobile app) và trí tuệ nhân tạo (AI) vốn là lĩnh vực được ứng dụng nhiều trên thế giới, nhưng còn khá mới với thị trường Việt Nam.
“Chúng tôi thường nhận những hợp đồng riêng của các tập đoàn lớn ở Mỹ, Hàn Quốc như Big Foot Inc, Holla… Chúng tôi tham gia với vai trò thiết kế hệ thống cho khách hàng, lập trình và ứng dụng machine learning và deep learning giúp tối ưu hóa sản phẩm của khách hàng”, anh chia sẻ.
Trí thông minh nhân tạo là bước đột phá mới của công nghệ thế giới bên cạnh việc máy có thể học đọc từ cơ sở dữ liệu có sẵn, engine học sâu, dựa vào cả ngàn trường hợp đã xảy ra để có thể đưa ra dự đoán chính xác, hoàn hảo trên các thông số có sẵn. Thế Vinh và đồng nghiệp của mình đã lập ra Autovoice, như một phần mềm giúp số hóa các văn bản bằng âm thanh. Tương lai có thể ứng dụng trong ngành truyền thông, làm báo nói cho những người không có thời gian hoặc thiết bị đọc cho người khiếm thị…
Đưa Womi ra thế giới
Bắt đầu từ nhu cầu của xã hội, ngày càng có nhiều gia đình ao ước có con, nhưng khó thực hiện, Dương Thế Vinh và 3 co-founder khác thành lập nên Womi, giúp phụ nữ xác định được chu kỳ của mình và thời điểm dễ thụ thai. Phiên bản đầu tiên ra mắt vào tháng 10/2016, đến nay đã có số lượt tải 30.000 lần và diễn đàn có khoảng 5.000 thành viên tương tác cố định và có 200 ca đã mang thai nhờ Womi. Những con số có thể chưa mấy ấn tượng, nhưng Womi được nhiều nhà đầu tư đánh giá cao về khả năng mở rộng thị phần nhanh chóng.
“Trong khởi nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thì quy mô của dự án được quan tâm đầu tiên. Có thể trong ngắn hạn dự án chưa thể hiện được vị trí của mình, nhưng trong vài tháng tới mọi điều đều có thể”.
Là co-founder và là giám đốc kỹ thuật, tháng 8 vừa qua, Dương Thế Vinh đã bay sang Seoul theo lời mời của NIPA, một tổ chức của chính phủ Hàn Quốc về ngành công nghiệp phần mềm để gia nhập vào K-start-up Challenge 2017, trung tâm quy tụ hơn 1.500 dự án khởi nghiệp đến từ hơn 118 quốc gia trên thế giới để tìm cơ hội phát triển.
“Đây là cơ hội tốt cho chúng tôi xâm nhập vào thị trường Hàn Quốc. Sắp tới, chúng tôi sẽ ra mắt Womi phiên bản 2.0, trên đó sẽ tích hợp hỗ trợ phụ nữ có quan tâm đến lĩnh vực thẩm mỹ, ngành rất phát triển ở Hàn. Bên cạnh vấn đề hiếm muộn, tư vấn của bác sĩ rồi trao đổi của những chị em đã thành công mang thai nhờ sử dụng Womi, tôi muốn biến nơi đây thành diễn đàn về các lĩnh vực chăm sóc đời sống dành cho phụ nữ. Nơi mọi người trao đổi về chuyện chăm sóc con cái, làm đẹp có tư vấn của giới chuyên môn, mua sắm sản phẩm chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm…”, Vinh tiết lộ .
Theo Enternews.vn