Khởi nghiệp ở lĩnh vực không thuận tay là xây dựng rạp chiếu phim hiện đại, song Bùi Quang Minh đã chọn mô hình cũng như hướng đến phân khúc khác biệt để tạo nên thành công.
Từ số vốn ban đầu 5 tỷ đồng đầu tư vào rạp chiếu phim đầu tiên, sau 3 năm, giá trị doanh nghiệp đã lên đến 27,5 triệu USD với 4 cụm rạp Beta Media ở Thái Nguyên, Hà Nội, Biên Hòa và sắp tới là Long Xuyên, TP.HCM, Thanh Hóa, Bắc Giang.
Cần sự trải nghiệm táo bạo
Sau khi tốt nghiệp đại học tại Úc, Minh làm việc ở Singapore và mô hình kinh doanh Donuts đang thịnh hành ở đất nước này đã đem lại cơ hội cho anh. Năm 2009, Minh đưa mô hình này về Việt Nam và một cửa hàng nhỏ được khai trương tại Hàng Bông với tổng số vốn chỉ 300 triệu đồng đã gây chú ý với người tiêu dùng. Sau 2 – 3 năm, Minh đã có 6 cửa hàng trên toàn quốc. Tuy nhiên, khi bánh Donut qua thời “hoàng kim”, công việc kinh doanh bắt đầu chững lại, Minh cảm thấy bế tắc và quyết định bán các cửa hàng để sang Mỹ học MBA.
Trong quá trình học, Minh quen biết bạn bè tứ phương làm trong những ngành công nghiệp khác nhau và ai trong số họ khi bắt tay làm gì cũng đều vạch ra đích đến rõ ràng, rồi cứ thế theo đuổi đến cùng. Họ luôn tự hỏi: làm vì cái gì, làm cho ai và có đam mê không?… Từ đó Minh xác định “mục tiêu trong cuộc sống chính là làm điều mình muốn, chứ không phải muốn điều mình làm”.
Tốt nghiệp MBA, Minh về nước và bắt đầu thử nghiệm những mô hình kinh doanh táo bạo hơn dưới góc độ đầu tư cho tương lai lâu dài chứ không chỉ nhìn vào cảm xúc ban đầu cũng như lợi nhuận tức thời. Năm 2011, một lần nữa cơ hội lại hé mở khi anh tình cờ biết được thông tin về thương vụ mua bán, sáp nhập chuỗi Mega Star mà Hàn Quốc đã mua lại 7 cụm rạp với giá 100 triệu USD.
Anh chia sẻ: “Khi tìm hiểu, tôi nhận thấy dư địa của mô hình này cực lớn, số rạp chiếu phim trên tỷ lệ đầu người ở Việt Nam còn rất thấp so với khu vực. Đây là thị trường đang phát triển và có rất nhiều tiềm năng, còn lâu mới chạm tới điểm bão hòa. Thêm nữa, các rạp chiếu phim hiện tại tập trung chủ yếu vào phân khúc khách hàng cao cấp với giá vé khá cao so với thu nhập của đại đa số người dân Việt Nam. Từ đó tôi nghĩ sẽ có cơ hội thành công nếu tạo dựng được mô hình phục vụ đối tượng khách hàng đại chúng hơn”.
Với số vốn 5 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng các cửa hàng Donuts, anh mạnh dạn vay thêm người thân, bạn bè 5 tỷ để xây dựng cụm rạp chiếu phim đầu tiên tại Thái Nguyên với 3 phòng chiếu. Đi cùng với rạp chiếu phim có giá vé vừa phải (trung bình 55.000 đồng/vé) là cửa hàng kinh doanh ăn uống phục vụ khách hàng – vốn không có ở những rạp chiếu phim thuộc phân khúc trung bình.
Mô hình này đã được “thượng đế” ở vùng xa, vùng ven ưa thích vì họ được trải nghiệm những dịch vụ không thua gì những nơi sang trọng. Cụm rạp này có lãi ngay từ tháng đầu tiên hoạt động và Minh xem đó là sự khởi đầu thành công.
Từ chối hợp tác với quỹ đầu tư
Chỉ sau 3 tháng hoạt động, có rất nhiều nhà đầu tư tìm đến đề nghị hợp tác, nhưng Minh không ngần ngại cho biết: “Tôi đã từ chối một khoản đầu tư 10 triệu USD, lý do là phía quỹ đầu tư muốn sở hữu đa số cổ phần ở công ty. Mặc dù vẫn nắm quyền điều hành nhưng với số cổ phần ít hơn, tôi sẽ mất quyền kiểm soát, trong khi những thứ tôi muốn làm và có thể làm được cho Beta vào thời điểm này còn rất nhiều”.
Đây cũng là một trong những kinh nghiệm anh học được từ những công ty đi trước. Điều rất quan trọng đối với công ty khởi nghiệp là phải hết sức cẩn trọng với việc từ bỏ quyền kiểm soát công ty khi gọi vốn đầu tư. Tùy vào quy mô công ty mà gọi vốn đầu tư, quy mô nhỏ thì không nên kêu gọi khoản đầu tư quá lớn mà hãy tăng vốn từ từ theo độ phát triển của doanh nghiệp.
Minh đã làm như thế với Beta, chỉ kêu gọi một khoản đầu tư nhỏ và bán đi một ít cổ phần, rồi dùng khoản đầu tư đó để tăng quy mô công ty lên. “Hiện tại, Beta đã được định giá 30 triệu USD, nếu cần thêm vốn, tôi chỉ cần bán vài phần trăm cổ phần và việc này hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền kiểm soát công ty của chúng tôi. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn có nguồn vốn tốt để mở rộng những dự án tiếp theo”, anh phân tích.
“Làm kinh doanh là làm chủ công việc và cuộc sống của chính mình. Đầu tiên, có thể chọn những điều mình thích nhất và làm tốt nhất. Với những điều mới mẻ, mình sẽ được học hỏi, được chọn đối tác để đồng hành. Tôi xem đây là “thiết kế cuộc sống” – một “kỹ năng” mà “nghề” doanh nhân đem đến cho bạn”, Minh chia sẻ với những bạn trẻ bắt đầu hành trình khởi nghiệp.
Theo Thanh Duy – Doanh nhân Sài Gòn