Định hướng nghề nghiệp vẫn là bài toán mà những sinh viên tương lai không thể tự tìm lời giải và các công ty tư vấn du học cũng không thể giúp. Ella Study giúp “lấp đầy” khoảng trống đó.
Hiện Việt Nam có khoảng 135.000 sinh viên đang đi du học
Tạo ra một cộng đồng kết nối giữa những du học sinh đã có trải nghiệm du học và những sinh viên có nhu cầu du học nhưng chưa có kinh nghiệm, cần định hướng cho lộ trình du học, Ella Study là một start-up tạo được sự chú ý trong thời gian gần đây với những kết quả bước đầu rất ấn tượng: kết nối cộng đồng hơn 1.700 du học sinh trên 38 quốc gia.
Kết nối cung cầu du học
Ý tưởng khởi nghiệp của Đỗ Xuân Khoa bắt đầu khá tình cờ, từ chính những trải nghiệm của sáng lập viên này. Sau khi tốt nghiệp đại học và đi làm một thời gian, Khoa đi du học tại Thụy Điển và sau đó quay trở về Việt Nam, làm việc tại TH True Milk. Những trải nghiệm của Khoa khi về nước trở thành nội dung chia sẻ rất giá trị với rất nhiều học sinh, sinh viên cũng có ý định đi du học như Khoa. “Định hướng nghề nghiệp là một bài toán mà những sinh viên tương lai không thể tự tìm lời giải và các công ty tư vấn du học cũng không thể giúp. Trong khi định hướng nghề nghiệp phải là điều cần giải quyết đầu tiên, trước khi quyết định chọn ngành gì và trường nào. Những điều mà các sinh viên này băn khoăn, thắc mắc cũng chính là những câu hỏi mà trước đây Khoa cũng từng gặp phải. Khoa nhận ra một thực tế đơn giản: không ai có thể tư vấn giúp các sinh viên này tốt bằng chính những du học sinh đã từng trải nghiệm.
Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng về số lượng học sinh du học hàng năm thuộc nhóm cao nhất nhì thế giới với khoảng 25% mỗi năm. Hiện Việt Nam có khoảng 135.000 sinh viên đang đi du học. Nhưng có một thực tế là mặc dù bỏ ra số tiền rất lớn để đi du học với mong muốn có được cơ hội thành công cao hơn, nhưng có rất nhiều sinh viên sau khi đi du học trở về không thể tìm được một công việc như ý. Được tư vấn về định hướng nghề nghiệp và các vấn đề khác trong quá trình du học là một nhu cầu thực sự lớn trong cộng đồng những học sinh, sinh viên có kế hoạch đi du học.
Không ai có thể tư vấn giúp các sinh viên tốt bằng chính những du học sinh đã từng trải nghiệm
Thế là Khoa cùng đội ngũ của mình bắt tay vào xây dựng Ella Study. Ban đầu, đó chỉ là nền tảng công cụ tìm trường dựa trên các tiêu chí như bảng điểm, kết quả IELTS, nguồn tài chính… Tuy nhiên, sau khi triển khai một thời gian, Khoa nhận ra giới hạn của công cụ tìm kiếm này và quyết định thay đổi mô hình.
Để hiểu chính xác và sâu sắc vấn đề mà các sinh viên gặp phải, phần lớn thời gian khảo sát của Ella là gặp gỡ, trò chuyện với các bạn sinh viên để lắng nghe tâm tư, trăn trở của họ. Bên cạnh đó, những hội thảo được tổ chức cũng giúp Ella lắng nghe được ý kiến của nhiều người hơn. Việc tìm hiểu những mô hình kinh doanh tương tự như EasyUni tại Malaysia cũng giúp Ella có thêm nhiều thông tin quý giá để hoàn thiện sản phẩm. Và cuối cùng, mô hình của Ella Study đã được định hình rất rõ ràng: đó sẽ là một platform như của Facebook, nhưng dành riêng cho mảng du học, nơi có thể kết nối tư vấn trực tuyến giữa mạng lưới du học sinh đã dạn dày kinh nghiệm với các du học sinh tương lai đang muốn tìm hiểu thông tin. Hệ thống dữ liệu và công cụ của Ella Study cho phép các sinh viên có thể đăng nhập vào hệ thống và tìm kiếm danh sách các du học sinh theo ngành học, trường học, thành phố và niên khóa. Khi đã tìm được du học sinh phù hợp với nhu cầu thông tin muốn tìm kiếm, sinh viên đặt lịch tư vấn và trả tiền để được tư vấn sâu qua chương trình video call trên website Ella Study. Phí tư vấn hiện nay đang trong khoảng 10 – 20 USD mỗi giờ.
Để đảm bảo được chất lượng tư vấn, Ella Study có quy trình tuyển chọn du học sinh khoảng 4 bước, từ khâu kiểm tra profile thông tin cho đến đào tạo cách tư vấn cho họ, sau đó là tổ chức một buổi tư vấn thử để đánh giá khả năng tư vấn của ứng viên. Hiện, Ella đã xây dựng dữ liệu khoảng 3.000 câu hỏi thường gặp để giúp định hướng cho du học sinh để đảm bảo thông tin tư vấn được chuẩn bị kỹ càng và giải quyết được những vấn đề mà người được tư vấn gặp phải.
Đáng nói là trong số 1.700 du học sinh tham gia tư vấn trên cộng đồng Ella Study đã có những profile rất “hot”, được đánh giá cao. Nhiều tư vấn viên là du học sinh ở những trường danh giá như Yale, Harvard, Cambridge. Theo Khoa, với những du học sinh này, có những gói tư vấn có giá trị lên đến khoảng 1.000 – 2.000 USD, “nhưng rất nhiều bạn sinh viên vẫn sẵn sàng trả, bởi nó thực sự đáng đồng tiền bát gạo”, Khoa nhấn mạnh. Mạng lưới du học sinh của Ella Study hiện đã phủ sóng trên khoảng 38 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có cả những bạn đã tốt nghiệp, về nước khởi nghiệp và số lượng các du học sinh tham gia vào mạng lưới tư vấn của Ella Study đang tăng đều đặn từ 500 – 700 người mỗi tháng. Trong khi đó, mỗi tháng có khoảng 1.000 đăng ký mới từ các bạn sinh viên có ý định đi du học.
Tuy nhiên, để có được sức thu hút và lan tỏa như hiện tại, giai đoạn đầu, đội ngũ của Khoa đã phải trải qua giai đoạn thu thập và tìm kiếm dữ liệu thủ công thông qua các diễn đàn. Có thể nói, con số 200 du học sinh tìm được đầu tiên là con số mất nhiều công sức nhất. 1.500 người còn lại đến chỉ sau… 2 tuần! Ngoài hiệu ứng truyền miệng, một trong những chìa khóa giúp Ella Study đạt được con số ấn tượng này chính là thông điệp truyền thông.
Vốn là dân chuyên ngành marketing, Khoa nhấn mạnh, ngoài việc tìm được thông điệp hấp dẫn thì việc “thả” thông tin đúng nơi, đúng chỗ cũng quan trọng không kém. Với những quốc gia mà du học sinh rất thiếu việc làm thêm như Phần Lan, Thụy Điển, Mỹ… thông điệp chính đưa ra là cơ hội giúp các du học sinh kiếm thêm thu nhập, với một công việc không bó buộc về không gian và thời gian. Trong khi đó, với những đối tượng mà mục đích kiếm tiền không đặt lên hàng đầu thì thông điệp phải là: được làm một công việc ý nghĩa và giúp đỡ, đóng góp cho cộng đồng. Chọn đúng thông điệp, Ella Study chỉ cần sử dụng công cụ có chi phí rất rẻ là email marketing, nhưng đã nhanh chóng thu hút được một lượng du học sinh đông đảo.
Đến thời điểm này, khi hiệu quả của chương trình Ella Study đã được khẳng định, thông tin về website đã bắt đầu được viral một cách tự nhiên trong cộng đồng, việc mở rộng mạng lưới và thu thập dữ liệu không còn là bài toán khó với start-up này nữa, họ đang đối mặt với những thử thách khác…
Tầm nhìn toàn cầu
Theo Đỗ Xuân Khoa, một trong những vấn đề Ella Study đối diện sau một thời gian vận hành chính là tính thời vụ của việc du học. Thông thường, theo thói quen đến gần thời điểm tuyển sinh của các trường, sinh viên mới bắt đầu rục rịch tìm hiểu. Vì vậy, tỷ lệ chuyển đổi từ một thành viên đăng ký thông tin trên Ella Study trở thành một người sẵn sàng trả tiền ngay để được tư vấn thường không cao.
Để giải quyết vấn đề này, Ella Study đã đưa ra một công cụ mới, cho phép sinh viên có thể chat trực tuyến với du học sinh. Việc trao đổi này giúp cho user hiểu được những khó khăn mà họ có thể gặp phải hay những vấn đề mà họ cần phải tính toán rất kỹ càng từ rất sớm. Từ đó, nhu cầu tiến đến bước tiếp theo để được tư vấn sâu sẽ phát sinh. Thực tế, theo phân tích dữ liệu của Ella Study, những user trao đổi với du học sinh trước thường có tỷ lệ trả tiền rất cao. Ella Study còn tìm các giải pháp để tăng thêm nhiều giá trị cho cộng đồng. Một trong số đó là các chương trình hội thảo định hướng nghề nghiệp giúp sinh viên hình dung được lộ trình họ cần phải đi. Bên cạnh đó là tổ chức các workshop nhỏ, với những câu chuyện được kể trực tiếp qua video call từ chính các du học sinh đang học ở nước ngoài. Ứng dụng Ella Study trên di động dự kiến cũng sẽ sớm ra mắt. Song song với hàng loạt những hoạt động để gia tăng sự gắn kết với cộng đồng, “mục tiêu của Ella Study là trở thành một phần trong 3 năm du học của các user, trước, trong và sau khi du học”, Khoa khẳng định.
Tuy vậy, một thử thách khác với Ella Study chính là áp lực cạnh tranh. Đối thủ của Ella Study trên thị trường hiện nay, không ai khác là EasyUni. Start-up Malaysia này đã chính thức hiện diện tại Việt Nam từ giữa năm 2016 và hiện đang có những bước kiện toàn rất nhanh chóng để chuẩn bị cho việc phát triển mạnh mẽ ở thị trường Việt Nam. Trước những động thái rõ ràng của EasyUni, Khoa và đội ngũ Ella Study đã xác định phải đi nhanh hơn nữa và phát huy được những lợi thế sân nhà: am hiểu thị trường, nhu cầu và tâm lý của học sinh, sinh viên Việt Nam. Ella Study đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện một trí thông minh nhân tạo, cho phép ghi nhớ dữ liệu và giúp cho học sinh, sinh viên có thể lọc và tìm kiếm du học sinh theo các tiêu chí thông minh hơn. Câu chuyện sẽ không chỉ gặp nhau ở thông tin về quốc gia, ngành học, trường, mà phải là “gặp nhau” về vấn đề, chỉ có như vậy, Ella Study mới giải quyết được đúng những vấn đề rất đa dạng mà user gặp phải.
Một start-up sinh ra và lớn lên dựa trên niềm tin của những khách hàng đầu tiên. Thiếu niềm tin đó thì mọi nguồn lực khác đều không có nhiều ý nghĩa
Trí thông minh nhân tạo này, cùng với việc bồi đắp dữ liệu sẽ dần dần thông minh lên theo thời gian và dự kiến trong khoảng nửa năm nữa sẽ có thể đáp ứng được yêu cầu của Ella Study. Đây cũng sẽ là một điểm khác biệt mà đối thủ của Ella Study – EasyUni – vốn chỉ là một nền tảng tìm kiếm trường học, không thể có được.
Khởi đầu ở Việt Nam, nhưng Khoa cho biết, các công cụ được code của Ella Study đều định hướng để có thể toàn cầu hóa. Thị trường quốc tế với khoảng 5 triệu du học sinh mỗi năm mới là thị trường mà start-up này nhắm đến. Mô hình mở rộng của Ella Study cũng sẽ tương tự như cách mà Airbnb, mạng chia sẻ phòng ở toàn cầu đã phát triển. Bài toán đặt ra với Ella Study khi toàn cầu hóa là làm thế nào để có thể giải quyết được nhu cầu đặc thù của từng quốc gia.
Hiện Ella Study đang chia sẻ phí tư vấn thu được với du học sinh theo tỷ lệ 4/6. Tuy nhiên, Khoa nhận định, mô hình tư vấn 1 – 1 mà Ella Study đang triển khai không phải là mô hình sinh lãi mà chỉ là mô hình giữ chân các user trong cộng đồng. Mô hình kiếm tiền mà Ella Study hướng đến là làm tuyển sinh cho các trường đại học trên thế giới. Với việc phát triển mạng cộng đồng như hiện tại, Ella Study có thể giải quyết vấn đề mà nhiều trường đại học lớn trên thế giới đang phải đối diện: làm thế nào để cân bằng giữa mục tiêu kiếm tiền với việc đảm bảo chất lượng sinh viên, cũng chính là danh tiếng của trường. Với lượng dữ liệu lớn và có khả năng phân tích những gì user đọc, Ella Study có thể phân tích được khá rõ về đặc trưng tâm lý của user cũng như về cơ sở học tập, điểm Ielts, GPA… từ đó giới thiệu cho trường những profile phù hợp nhất. Đây là phễu lọc thông tin mà chưa công ty du học nào làm được. Ella Study cũng đã bắt đầu triển khai mô hình tuyển sinh với việc ký hợp tác với khoa quốc tế của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân để giúp họ tuyển sinh các chương trình đào tạo liên kết 1+1 hoặc 2+2. Với Ella Study, đây đồng thời cũng là bước tập dượt cho những kế hoạch phát triển dài hơi và quy mô hơn về sau.
Hiện nay, Ella Study đã gọi xong vốn vòng đầu tiên và đang chuẩn bị cho các vòng gọi vốn tiếp theo: Pre – seeding và Seeding, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn tất. Đó cũng là lúc Ella có thêm nhiều nguồn lực mới để thực hiện trọn vẹn các kế hoạch của mình.
Nói về việc khởi nghiệp tại Việt Nam, sau những trải nghiệm bước đầu của mình, Đỗ Xuân Khoa chia sẻ, để start-up có thể thực sự thành công, rất cần niềm tin bền vững của cộng đồng đối với start-up. “Về bản chất, một start-up đều sinh ra và lớn lên dựa trên niềm tin của những người dùng đầu tiên, nếu thiếu niềm tin đó thì mọi nguồn lực khác đều không có nhiều ý nghĩa”, Khoa nói. Bên cạnh đó là sự bao dung, bởi start-up khó có thể làm mọi thứ hoàn hảo ngay từ đầu như các tập đoàn lớn, vốn rất nhiều kinh nghiệm và nguồn lực. “Tỷ lệ sai và hỏng với start-up chắc chắn sẽ nhiều hơn, nhưng, nếu công chúng thực sự bao dung và cho họ cơ hội để sửa sai, start-up luôn sẵn sàng lắng nghe, thay đổi nhanh chóng để đáp ứng khách hàng tốt nhất”, Khoa chia sẻ.
Cuối cùng, nhưng không kém phần thú vị: từ Ella trong tên thương hiệu, theo tiết lộ của Khoa, có ý nghĩa là ngọn đuốc và sự khai sáng. Đó cũng chính là sứ mệnh mà start-up này lựa chọn: soi sáng hành trình du học và chắp cánh cho những thành công của thế hệ trẻ.
Theo Enternews.vn