Theo khảo sát mới công bố của Navigos Group, có đến hai phần ba người trẻ tại Việt Nam mong muốn khởi nghiệp trong vòng 3 năm tới.
Báo cáo “Thế hệ Y người Việt – Tham vọng sự nghiệp và Khát vọng khởi nghiệp” của Navigos Group vừa cho biết, hai phần ba người tham gia khảo sát nói họ muốn khởi nghiệp trong vòng 3 năm tới. Trong đó, thế hệ Y là những người sinh từ năm 1980 đến 1996.
Độ tuổi từ 31-35 được thế hệ này coi là “độ tuổi vàng” để khởi nghiệp với 53% ý kiến lựa chọn của ứng viên. Bán lẻ, Du lịch – Nhà hàng, Thương mại điện tử và Giáo dục là các lĩnh vực được thế hệ Y chọn để khởi nghiệp với tỷ lệ tương ứng là 31%, 14%, 11% và 10%.
“Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy thế hệ Y là những người dám ‘nghĩ lớn’. Tuy nhiên, từ suy nghĩ mong muốn khởi nghiệp đến việc chấp nhận dấn thân vào khởi nghiệp thực sự lại là một câu chuyện khác không được đề cập trong báo cáo này”, phía Navigos tuyên bố.
Ngoài khởi nghiệp, người trẻ Việt Nam còn đang có cái nhìn đầy lạc quan về Cách mạng Công nghiệp 4.0. Đến 77% ứng viên cho rằng 4.0 sẽ tạo ra những cơ hội mới để phát triển sự nghiệp. 93% ứng viên chia sẻ nếu 4.0 ảnh hưởng đến công việc của họ, họ sẽ tiếp tục học hỏi để thích nghi với những thay đổi mới thay vì lựa chọn chuyển sang công việc khác.
Cũng theo báo cáo, người trẻ đang ngày càng mong muốn giàu có và thành đạt hơn. Thước đo về tài chính được thế hệ Y sử dụng để đánh giá mức độ phát triển của bản thân trên con đường sự nghiệp, và là động lực thôi thúc họ “dấn thân” vào những thử thách.
71% ứng viên cho biết việc ngày càng chủ động hơn về tài chính cá nhân là thước đo của sự phát triển về mặt nghề nghiệp. 41% cho biết nếu chuyển sang công ty khác, chế độ lương và phúc lợi tốt hơn là điều họ mong muốn. Bên cạnh đó, đối với những ứng viên có ý định khởi nghiệp, có đến 66% tham gia khảo sát cho biết lý do lớn nhất là họ muốn trở nên thành đạt và giàu có.
Tuy nhiên, một thực tế đang diễn ra khá phổ biến tại thị trường lao động Việt Nam, đặc biệt với đội ngũ lao động trẻ là sự gắn bó với tổ chức không cao. Điều này dẫn đến tình trạng ứng viên “nhảy việc” nhiều và nhanh, còn nhà tuyển dụng thì rất khó khăn và tốn kém hơn trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới. 69% ứng viên thế hệ Y tham gia khảo sát trả lời rằng họ đang cân nhắc chuyển việc. 70% ứng viên làm việc trung bình từ 4 năm trở xuống tại một công ty.
“Khi quản lý nhân sự thế hệ Y, các doanh nghiệp hãy luôn lưu ý về cách “giao tiếp”, làm thế nào để nhân viên cảm thấy mình được lắng nghe và thấu hiểu, đồng thời doanh nghiệp cũng đảm bảo rằng nhân viên nắm rõ được doanh nghiệp kỳ vọng những gì ở nhân viên. Đồng thời, đừng bao giờ để nhân viên bị dậm chân tại chỗ”, bà Nguyễn Phương Mai – Giám đốc điều hành của Navigos Search khuyến nghị.
Theo Vnexpress