Với số lượng các quỹ đầu tư ngày càng tăng, hiện có rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước hào hứng với các dự án khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam.
Tuy nhiên, có một điểm trừ là Việt Nam vẫn đang thiếu một hành lang pháp lý để khơi thông dòng vốn này chảy vào các dự án đổi mới sáng tạo cũng như giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư.
Cần khơi thông dòng vốn
Mở đầu Hội thảo Lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đầu tư khởi nghiệp sáng tạo (startup) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 19/10, ông Nguyễn Đình Tiến, chuyên gia về thương mại hàng hóa của Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Ứng phó với biến đổi khí hậu (VCIC) cho biết, thời gian qua, đơn vị có tham gia hỗ trợ cho khởi nghiệp sáng tạo liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Ông Tiến thông tin, đến nay, VCIC đã tìm kiếm và hỗ trợ cho khoảng 34 doanh nghiệp (DN) đổi mới sáng tạo giúp tăng sức cạnh tranh cho DN. Trong quá trình tìm kiếm những DN cũng như tài trợ vốn cho DN khởi nghiệp, VCIC gặp những khó khăn không chỉ từ phía VCIC mà cả từ DN, nhà đầu tư. Đứng ở góc độ nhà đầu tư, đơn vị đã tiếp xúc nhiều với các quỹ đầu tư ngoài nước, họ tỏ ra rất hào hứng với những ý tưởng nêu ra. Tuy nhiên, do khung pháp lý cho vấn đề này của Việt Nam chưa được định vị cụ thể nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự nhiệt tình của họ.
Thừa nhận đầu tư khởi nghiệp sáng tạo luôn gắn với yếu tố rủi ro, song bà Trịnh Thị Hương, Trưởng phòng Tổng hợp chính sách thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Nghị định cho rằng, nếu vượt qua khó khăn này thì có thể đem lại giá trị rất lớn.
Theo bà Hương, đến nay, ngoại trừ Điều 18 của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2018 thì hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa có một quy định cụ thể nào cho đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Thời gian qua, hoạt động này vẫn thực hiện qua các kênh khác nhau: nhà đầu tư cá nhân trong nước hoặc nước ngoài bỏ vốn đầu tư vào cá nhân, nhóm cá nhân hoặc các DN khởi nghiệp tiềm năng; một số nhà đầu tư thành lập công ty theo Luật Doanh nghiệp để đầu tư; hoặc nhà đầu tư góp vốn vào quỹ đầu tư. Các quy định này chưa phù hợp cũng như không tạo điều kiện để khuyến khích các nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Trong khi đó, các startup không giống như các công ty thương mại, sản xuất kinh doanh truyền thống vì yếu tố công nghệ và sáng tạo trong các startup rất cao, kèm theo đó là độ rủi ro lớn. Vì lý do này nên các kênh huy động vốn truyền thống như vay vốn ngân hàng, huy động từ các quỹ/công ty đầu tư chứng khoán hầu như là không thể.
Vì vậy, để khơi thông hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo cũng như giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng khung pháp lý cho hoạt động này cần sớm được ban hành.
Hành lang pháp lý thông thoáng
Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm tại Hội thảo là vấn đề thành lập Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Góp ý về nội dung này, ông Tiến cho rằng: “Nghị định nên mở ra một công ty quản lý quỹ có thể quản lý nhiều quỹ đầu tư vì mỗi một quỹ đầu tư có tiêu chí hoạt động khác nhau, nhưng công ty quản lý quỹ đáp ứng được các tiêu chí đó thì nên mở rộng hoạt động cho họ quản lý quỹ ở những lĩnh vực họ có khả năng”.
Ông Cao Đăng Vinh thuộc Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp nêu quan điểm là không nên quy định công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo chỉ quản lý một quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Ông Vinh nhấn mạnh, việc đặt ra điều kiện này thực chất là một điều kiện kinh doanh, trong khi đó theo quy định của Luật DN 2014 thì thành lập và hoạt động của công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không thuộc Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo Báo Đầu tư