Đây là những chia sẻ của các CEO Shark Tank Việt Nam trong buổi giao lưu với sinh viên vào sáng nay (10/12).
Buổi gặp gỡ của các Shark với sinh viên các trường đại học Kinh tế quốc dân, Bách khoa, Xây dựng,… vào sáng 10/12.
Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Phú, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse chia sẻ rằng tất cả những khát vọng của chúng ta có thể sẽ không được thực hiện trong thực tế.
Tại buổi giao lưu, ông Phú nói ước mơ hồi cấp 2 của ông là thành nhà bác học, nhưng lên cấp 3, ông bắt đầu có sự thay đổi khi xem ti vi và thấy đất nước bạn rất giàu có, trong khi không hiểu sao nước mình nghèo thế. Chính vì trăn trở đó, ông Phú bắt đầu kinh doanh từ khi còn là sinh viên.
Theo đó, “khi bạn bè đi kết bạn, đi chơi và giao lưu, thì tôi đi kinh doanh ngay trong những năm tháng sinh viên. Kiến thức 4 năm ở trường cũng không thể đem lại nhiều kinh nghiệm như vậy, học 4 năm mà tôi dường như không có gì trong đầu”, ông Phú nói.
Ông Phú chia sẻ kiến thức 4 năm ở trường đại học cũng không thể đem lại nhiều kinh nghiệm như khi ông tập kinh doanh thời sinh viên.
Nhớ lại thời sinh viên, vị CEO này cho biết, khi anh cả trong gia đình ông phải sang Nga lao động và gửi thùng hàng đầu tiên về Việt Nam vào năm 1988, ông đã phải đem thùng hàng đó đi bán khắp chợ Giời, chợ Đồng Xuân,…
“Chính quá trình đi bán hàng đó tôi mới học được nhiều điều, biết thế nào là mua bán thực tế. Khi đó, bố mẹ tôi cũng tin tưởng và giao hết gia sản cho một cậu bé 17 tuổi là tôi. Chính khi cầm toàn bộ số tiền của gia đình đó, bắt buộc tôi phải chịu trách nhiệm, phải ra quyết định. Đó là trải nghiệm lớn nhất trong cuộc đời tôi”, ông Phú cho hay.
Bên cạnh đó, ông cũng dành lời khuyên cho các bạn sinh viên rằng, để khởi nghiệp thành công thì phải trải nghiệm, trả giá và đánh đổi bởi đạt được thành công không hề dễ dàng.
Giống với ông Phú trong những năm tháng sinh viên, ông Trần Anh Vương, Tổng giám đốc Công ty CP Sam Holdings cũng cho biết: “Giống với 3/4 số sinh viên, tôi cũng không học được gì khi ra trường mà chỉ khát vọng kiếm được việc làm”.
Tuy nhiên, ông Vương cho rằng việc học là không thể thiếu nhưng cách học mới là quan trọng.
Ông Vương cho rằng học là không thể thiếu nhưng cách học mới là quan trọng.
“Kiến thức có từ hàng ngàn năm, nhưng kiến thức chỉ là kiến thức. Còn hấp thụ được để biến thành sản phẩm, dịch vụ, tạo ra giá trị sống cho mọi người hay không lại là chuyện khác. Vì vậy, việc học là quan trọng nhưng quan trọng hơn chính là cách học. Nếu chỉ trải nghiệm mà không học cũng chỉ được một phần thôi”, ông Vương chia sẻ.
Theo đó, ông Phú cũng nói rằng: “Thời tuổi trẻ, tôi không học được bao nhiêu chỉ vì không biết học để làm gì. Vì học là bị bắt từ thầy cô, bố mẹ, phải học những thứ mà không biết áp dụng được gì trong thực tế”.
Tuy nhiên, kiến thức vẫn vô cùng quan trọng và sau này khi đã ngộ ra thì vẫn phải tự tìm đường học. Lấy ví dụ, ông Phú cho biết, chẳng hạn, qua một chuyện kinh doanh đơn giản, tính lỗ lãi cuối năm, tổng kết tài sản từ bài toán thực tế thì sẽ ngộ ra và học được nhiều kiến thức.
“Nếu làm công việc mà chúng ta đam mê và hiểu thì sẽ tiếp thu được kiến thức rất nhanh còn không thì chỉ lãng phí thời gian”, ông Phú cho hay.
Tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Ngọc Thuỷ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giáo dục Egroup cũng cho rằng với sinh viên, nếu có thể được thì cần giỏi học kiến thức và giỏi cả cách kinh doanh.
“Nhưng phải biết rõ rằng mình biết gì và có thể làm được điều gì. Các lời khuyên chỉ tư vấn, bạn mới là người quyết định được điều thực sự đúng với bạn. Phải đặt câu hỏi: Tại thời điểm này, nếu chỉ làm được một việc thì nên làm gì, tại sao muốn làm điều đó?”, ông Thủy nói.
Bên cạnh đó, các Shark cũng cho rằng có nhiều con đường để học, nhưng học đại học vẫn là con đường đào tạo chính quy tốt. Tuy nhiên, không nên dừng ở đó vì việc học là cả đời, không người thành công nào mà thiếu kiến thức bởi việc học là bắt buộc mỗi ngày, không chỉ học đại học là xong.
Theo Dân trí