Đã bước sang mùa thi thứ 15, nhưng Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia vẫn mang trong mình sứ mệnh cao cả – tìm kiếm, chắp cánh, kết nối tình yêu “doanh nhân” cho các thế hệ thanh niên – sinh viên.
Cách đây 15 năm, Cuộc thi “Sinh viên Khởi nghiệp” nay là “Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức lần đầu tiên dưới sự bảo trợ của Phòng Tương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã làm cả nước ngỡ ngàng, bởi thời đó, “Khởi nghiệp” vẫn còn xa lạ lắm với người dân Việt Nam.
Được sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức: CHUNG KẾT CUỘC THI KHỞI NGHIỆP QUỐC GIA 2017 Thời gian: 13h30 – 17h ngày 26/12/2017; Địa điểm: Hội trường lớn – Học viện Ngân hàng, số 12 phố Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – chụp ảnh kỷ niệm tại gian hàng triển lãm của Chương trình Khởi nghiệp – VCCI tại Triển lãm Techfest 2016.
Lan tỏa – Kết nối đam mê
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định “Ở Việt Nam, VCCI là một trong những cái nôi của ý tưởng khởi nghiệp. 15 năm trước, chúng tôi đã tổ chức những cuộc thi Khởi nghiệp, Festival khởi nghiệp đầu tiên. Lúc đó, từ khởi nghiệp ít được nhắc đến thì Việt Nam đã có những chương trình khởi nghiệp đầu tiên và VCCI đã có những bộ giáo trình đầu tiên đạt chuẩn quốc tế”.
Và từ những ngày đầu tiên đó, dấu ấn của cuộc thi đã lan tỏa, kết nối những niềm đam mê khởi nghiệp lại với nhau, tạo cảm hứng cho hàng vạn bạn thanh niên – sinh viên trên cả nước, góp phần xây dựng và phát triển cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam. Cứ mỗi năm qua đi, hàng trăm dự án kinh doanh khả thi, hàng chục doanh nghiệp trẻ lại bước ra từ Chương trình.
Sau nhiều năm triển khai, cuộc thi Khởi nghiệp đã có nhiều bước đột phá mới trong cách tổ chức để nhân rộng quy mô và tính hiệu quả. Từ năm 2013, mô hình Cuộc thi Khởi nghiệp được Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia hỗ trợ tổ chức và chuyển giao cho các tỉnh thành, các trường đại học trên cả nước. Và cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia trở thành nơi hội tụ những tinh hoa sáng tạo được chọn lọc từ các cuộc thi cấp trường, khu vực.
Nếu năm 2016, TP HCM dẫn đầu là địa phương có nhiều dự án tham dự nhất, thì năm 2017, Hà Nội đã giành lại vị thế đứng đầu. Một số địa phương khác, sau nhiều năm không có dự án thì năm nay lại được ghi nhận tham gia như như Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre…
Cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia 2017 không chỉ là cuộc đua và cạnh tranh khốc liệt của các khối trường Đại học, các tỉnh/thành mà nó đã thực sự trở thành một sân chơi lớn để lan tỏa và kết nối những con người luôn mang trong mình tình yêu khởi nghiệp.
Rất nhiều dự án là sự kết nối đam mê khởi nghiệp không chỉ đơn thuần của các bạn sinh viên trong 1 khoa, 1 trường mà còn của các thầy cô giảng viên với sinh viên, của sinh viên trường này với trường khác, của tỉnh này với tỉnh khác và thậm chí của quốc gia này với quốc gia khác. Điển hình như nhóm tác giả của Học viện Ngân hàng phối hợp với ĐH Bách khoa cùng kết hợp viết dự án Xưởng Cam – Giải pháp Giáo dục khoa học dành cho học sinh tiểu học – Giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp Học viên Ngân hàng – Startup BA 2017; Dự án Diker đạt giải Khuyến khích Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp – Creative Idea Contest 2017 là sự liên kết của các tác giả của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Đại học Văn Hiến, Cao đẳng Thực hành FPT Polytechnic HCM…
Chỉ tính riêng năm 2017, 15 đơn vị thuộc mạng lưới khởi nghiệp đã chọn sàng lọc ra 159 dự án xuất sắc từ 500 dự án cũng như ý tưởng kinh doanh của 1.500 thí sinh để tham gia cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia.
Tham gia mạng lưới cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia năm nay, ngoài những cái quen thuộc như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Ngoại thương, ĐH Kinh tế – Luật TP HCM, Đại học Nông – Lâm TPHCM, ĐH Lạc Hồng, Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa (Phú Yên) … thì sức lan tỏa của cuộc thi còn làm “sống lại” hoạt động khởi nghiệp của nhiều trường Đại học như: ĐH Thương mại, Học viện Ngân hàng, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Tôn Đức Thắng…
Bên cạnh đó, có rất nhiều đơn vị đã nỗ lực khi lần đầu tiên tham gia vào mạng lưới khởi nghiệp quốc gia sau khi nhận được sự hỗ trợ của Ban tổ chức thông qua các hoạt động giao lưu khởi nghiệp, đào tạo hướng dẫn tìm ý tưởng kinh doanh, như: ĐH Tiền Giang, ĐH Tây Bắc, ĐH Thái Nguyên… Một số địa phương như Hòa Bình, Yên Bái, Bắc Giang đã tổ chức thi và sàng lọc các ý tưởng kinh doanh hiệu quả để tư vấn, hỗ trợ triển khai dự án.
Không chỉ là cuộc thi
Không giống với các cuộc thi khác chỉ dừng lại ở hoạt động tôn vinh dự án đoạt giải. Cuộc thi Khởi nghiệp với mục đích cao hơn là tìm kiếm các dựa án khả thi để hỗ trợ triển khai hình thành doanh nghiệp. Chính vì thế đằng sau cuộc thi sẽ là hàng loạt các hoạt động có ý nghĩa thực tiễn, hỗ trợ dự án khởi nghiệp.
Tại Festival Khởi nghiệp 2017, hoạt động chào đầu tư với sự tham gia của gần 30 nhà đầu tư, quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho các dự án cam kết sẽ triển khai thực tiễn hứa hẹn tạo động lực cũng như nguồn lực để các dự án vượt qua được những khó khăn ban đầu trong quá trình xây dựng doanh nghiệp. Ngoài ra tại Festival các dự án sẽ được kết nối với các tổ chức khởi nghiệp, các vườn ươm khởi nghiệp, các cố vấn, huấn luyện viên của Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia để các dự án tự xây dựng cho mình một hệ sinh thái hỗ trợ hoàn chỉnh.
Bước sang năm 2018, chương trình Khởi nghiệp với mục tiêu hoàn thiện cho mình hệ sinh thái khởi nghiệp, nhằm tạo ra những dự án khởi nghiệp hoạt động hiệu quả nói chung và hỗ trợ các dự án tham gia cuộc thi khởi nghiệp nói riêng hứa hẹn có nhiều hoạt động, sự kiện quy mô lớn, thiết thực. Đồng thời, Ban tổ chức cũng thay đổi về format của chương trình, tập trung chủ yếu vào công tác đào tạo, huấn luyện các giảng viên của chương trình khởi nghiệp, các cố vấn/huấn luyện viên, các doanh nghiệp khởi nghiệp, xây dựng vườn ươm và kết nối đầu tư. Từ đó, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, cả nước có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó hàng năm có từ 30 – 35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới, sáng tạo sớm trở thành hiện thực.
Theo Enternews.vn