Hult Prize Việt Nam 2018 diễn ra từ nay đến đầu năm sau, thu hút sinh viên cả nước tham gia.
Cuộc thi do Trung tâm Tư vấn Đào tạo Kỹ năng Kinh doanh (CBS) phối hợp cùng Hult Prize tổ chức. Chủ đề cuộc thi là “Tận dụng sức mạnh của nguồn năng lượng tự nhiên để thay đổi cuộc sống của 10 triệu người”, tập trung vào sáu mảng đề tài chịu ảnh hưởng của việc sử dụng năng lượng như kết nối, giáo dục, nông nghiệp, nguồn nước, di động và sức khỏe.
Cuộc thi bao gồm hai vòng chính là cấp trường và cấp quốc gia. Tại vòng cấp trường, các đội thi sẽ chia thành hai nhánh tại hai điểm thi là Đại học Kinh tế TP HCM và Đại học Ngoại thương. Mỗi đội sẽ trình bày ý tưởng khởi nghiệp xã hội trước hội đồng giám khảo gồm các chuyên gia đến từ các tổ chức giáo dục đào tạo và doanh nghiệp trong vòng 5 phút.
Bảy đội thi xuất sắc nhất sẽ được chọn tham gia vào vòng thi cấp quốc gia. Tại đây, các đội hoàn thiện bản kế hoạch kinh doanh và đi trải nghiệm thực tế dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia. Mỗi đội sẽ thực hiện sản phẩm mẫu gửi cho hội đồng giám khảo và nhà đầu tư. Kết quả vòng quốc gia sẽ chọn ra ba đội xuất sắc nhất tham gia vòng bán kết khu vực dự kiến diễn ra tại Thượng Hải, Trung Quốc vào tháng 3/2018.
Ông Hồ Quang Hưng – Giám đốc Hult Prize Việt Nam thông tin về cuộc thi năm nay.
2018 là năm thứ hai Hult Prize đến Việt Nam. Đây là cuộc thi khởi nghiệp xã hội toàn cầu dành cho thế hệ trẻ gồm sinh viên, cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và cựu sinh viên, nhằm khởi xướng doanh nghiệp xã hội do Liên Hiệp Quốc bảo trợ cùng với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton.
Được khởi xướng bởi doanh nhân người Mỹ Ahmad Ashkar năm 2009, đến nay cuộc thi đã thu hút 250 triệu cá nhân, 50.000 hồ sơ hàng năm. 1.000 trường đại học từ hơn 150 quốc gia và 20.000 doanh nhân tham dự các vòng thi. Qua đây, 5.000 mô hình khởi nghiệp đã được phát triển trên toàn thế giới.
Các đề tài tập trung vào những vấn đề xã hội như giáo dục, nước sạch, thiếu hụt năng lượng, khủng hoảng lương thực toàn cầu hay chăm sóc sức khỏe cho người nghèo. Ngoài ra, cuộc thi cũng nhắm đến vấn đề giáo dục mầm non, tăng thu nhập cho người nghèo, nạn di cư và tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên.
Theo VnExpress