Pony Ma xếp thứ 17 trong danh sách những người giàu nhất thế giới do Forbes vừa công bố, nhưng có cuộc sống bí ẩn, ít tiếp xúc truyền thông.
Pony Ma là người giàu nhất Trung Quốc, xếp trên cả ông chủ Jack Ma của Alibaba, với khối tài sản hiện được Forbes ước tính 48 tỷ USD. Năm 2007 và 2014, ông nằm trong danh sách những người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí Time. Vào 2015, tỷ phú cũng trong danh sách những người quyền lực nhất thế giới do Forbes công bố.
Pony Ma là nhà sáng lập, người đứng sau Tencent – công ty công nghệ giá trị thứ 6 thế giới. Cuối năm ngoái, giá trị tập đoàn này có lúc đạt 530 tỷ USD, vượt qua Facebook, doanh thu 23 tỷ USD.
Như nhiều tỷ phú khác ở Trung Quốc, Pony Ma – tên thật là Ma Huateng, có xuất phát điểm khiêm tốn. Ông sinh năm 1971 tại tỉnh Quảng Đông, thời niên thiếu phải trải qua ba lần chuyển nhà vì bố phải đi khắp nơi tìm việc mưu sinh.
Ma tốt nghiệp khoa học máy tính tại Đại học Thâm Quyến năm 1993. Sau khi ra trường, ông làm việc cho một công ty viễn thông. Các nguồn tin cho biết thời gian này tỷ phú có mức lương 176 USD một tháng. Cũng trong giai đoạn cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, doanh nhân 7x tìm thấy cơ hội trong bối cảnh nền kinh tế mới ở Trung Quốc với sự xuất hiện của Internet và quyết định cùng một số người bạn đại học sáng lập Tencent vào năm 1998.
Sản phẩm đầu tiên của họ là dịch vụ nhắn tin tức thời bằng máy vi tính có tên OICQ, lấy cảm hứng từ ứng dụng của một công ty Israel có tên ICQ. Dịch vụ nhanh chóng tạo cơn sốt với người trẻ Trung Quốc, những người luôn khao khát giao tiếp với nhiều người khác. Đến 2000, họ quyết định đổi tên dịch vụ thành QQ sau khi vấp phải những tranh cãi về bản quyền. Tencent kiếm tiền tự nhiên thông qua quảng cáo và phí hằng tháng cho những người dùng cao cấp của QQ.
Từ chính dịch vụ của mình, Ma đã gặp gỡ người sau này trở thành vợ ông. Họ nhắn tin suốt ba tháng trước khi chính thức gặp mặt. Nhiều người khác cũng vậy. Chỉ trong chưa đầy hai năm, công ty đã hút 4,4 triệu USD tiền đầu tư từ quỹ mạo hiểm của một trong những công ty viễn thông lớn nhất Hong Kong.
Tencent lên sàn ở Hong Kong năm 2004. Cùng năm, họ ra mắt nền tảng chơi game online, nhanh chóng đứng số một tại Trung Quốc và vẫn giữ vị trí này đến nay.
Khi Tencent đi lên cũng là lúc Internet tại Trung Quốc phát triển. Giống như ở Mỹ có các ông lớn dẫn đầu như Amazon, Apple, Facebook và Google, Trung Quốc có nhóm “big-four” gồm bốn cái tên Baidu, Alibaba, Tencent và Sina.
Khi mảng PC có dấu hiệu khựng lại và xu hướng di động nổi lên, Tencent lại đầu tư vào mảng này. Năm 2012, công ty ra mắt ứng dụng nhắn tin WeChat – một nền tảng tương tự WhatsApp tại Mỹ. Ứng dụng đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, đạt trên 100 triệu người dùng ngoài biên giới chỉ trong 12 tháng. Năm 2013, WeChat là ứng dụng được tải nhiều thứ hai tại Ấn Độ. Nghiên cứu cho thấy người dùng dành trung bình 1,5 giờ mỗi ngày với ứng dụng này.
Năm 2017, giá trị cổ phiếu của Tencent tăng gần 130% khi WeChat chạm ngưỡng 1 tỷ người dùng. Họ cũng mua cổ phần và trở thành nhà đầu tư tại các công ty trên thế giới, trong đó ở Mỹ có Tesla, Snapchat và Lyft.
Chủ tịch – CEO Tencent Ma Huateng – tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Ảnh: Forbes.
Dù sở hữu khối tài sản đồ sộ nhưng ông chủ Tencent lại rất kín tiếng với truyền thông, hoàn toàn trái ngược với Jack Ma của Alibaba. Pony Ma nhận lời phỏng vấn với một phóng viên nước ngoài lần đầu vào 2011 nhưng rất ít nói về bản thân.
Một nhân viên của ông từng chia sẻ, tại công ty mọi người đều rất bình đẳng. “Chúng tôi đều gọi ông ấy là Pony”, người này tiết lộ. Ở một tập đoàn có 40.000 nhân viên, Ma xây dựng sự đồng thuận trong đội ngũ bằng cách khuyến khích làm việc nhóm, trọng dụng và khen thưởng người giỏi, nhưng sự chỉ trích và tranh luận cũng rất được chào đón. Ma là người hâm mộ và thích những cuộc thi nội bộ, kích thích tinh thần sáng tạo của nhân viên.
Tỷ phú giàu nhất Trung Quốc là một nhà chiến lược. Ông từng cùng các giám đốc của mình dành hai ngày đi xuyên sa mạc Gobi và tuyên bố việc này giúp xây dựng văn hóa công ty.
Ma thừa nhận có sở thích với thiên văn học. Mùa hè năm ngoái, Tencent đầu tư vào các startup tìm kiếm mặt trăng và các tiểu hành tinh để tìm những nguồn nguyên liệu tự nhiên.
“Chúng tôi luôn rộng mở với những điều không ai ngờ đến, muốn thấy liệu con người có thể đẩy biên giới đi bao xa và chúng ta có thể làm gì bên ngoài trái đất”, David Wallerstein, Giám đốc mảng thám hiểm Tencent cho biết.
Đời sống riêng tư của Ma luôn là một điều bí ẩn. Một số nguồn tin trong nước tiết lộ, ông sở hữu nhiều bất động sản trị giá hàng triệu USD ở Hong Kong và những bộ sưu tập nghệ thuật đắt tiền. Doanh nhân ít khi nói chuyện trước truyền thông hay công chúng, thường sử dụng tiếng Trung và hiếm khi nói tiếng Anh mặc dù có thể nghe và giao tiếp bằng ngôn ngữ này.
Trên các trang thông tin, ông được biết đến là người có “ít tiểu sử”. Các thông tin hiếm hoi về bản thân ông chỉ có thêm là thần tượng nhà sáng lập Apple Steve Jobs, từng chuyển 2 tỷ USD giá trị cổ phần tại Tencent cho quỹ từ thiện năm 2016.
Một nhà phân tích từng ví Ma giống như một con bọ cạp. “Ông ấy không bao giờ nói nhiều nhưng luôn nghĩ về các chiến lược. Ma ẩn mình sau tấm rèm, rất tập trung và sau đó bắt đầu tấn công”, vị này nói. Đôi khi, giữ một tiểu sử ít ỏi đồng nghĩa với việc tự làm dày nó lên theo thời gian.
Theo VnExpress