Mỗi startup cần biết cách lan truyền câu chuyện của mình, thông điệp của người sáng lập, chia sẻ những khát vọng, hoài bão.
Khi bắt đầu hành trình khởi nghiệp, mối quan tâm của nhiều startup thường xoay quanh sản phẩm, bán hàng, xây dựng đội ngũ…
Không nhiều doanh nghiệp sớm đặt ra câu hỏi: “Tôi muốn công chúng nghĩ gì về công ty mình?”; “Làm thế nào thu hút nhân tài?”; “Bí quyết nào đã giúp mỗi sản phẩm mới như của Apple đều được người dùng trên toàn thế giới chờ đón từ khi chưa ra mắt?”…
Theo Amy Kunrojpanya – Giám đốc Chính sách và Truyền thông Uber châu Á – Thái Bình Dương, câu trả lời cho tất cả những câu hỏi phía trên nằm ở khả năng xây dựng danh tiếng của doanh nghiệp.
Hơn một thập kỷ qua, Amy luôn chứng tỏ là một chuyên gia truyền thông dày dạn kinh nghiệm với tầm nhìn chiến lược đã nâng tầm danh tiếng cho nhiều thương hiệu có quy mô toàn cầu như Google, Coca-Cola, Syngenta và Austrade. Tham gia đội ngũ Uber từ tháng 3/2016, Amy đảm nhận trách nhiệm đẩy mạnh uy tín cho Uber thông qua các hoạt động về chính sách công, quan hệ chính phủ, truyền thông và tiếp cận cộng đồng trên toàn châu Á.
Những triết lý, lời khuyên về cách xây dựng danh tiếng dưới đây cũng chính là những giá trị cốt lõi bà luôn theo đuổi để xây dựng thương hiệu, giải quyết khủng hoảng truyền thông cho các thương hiệu toàn cầu bà đã và đang làm việc.
Xây dựng danh tiếng không phải một cuộc chạy đua có đích đến rõ ràng
Danh tiếng là cái giúp người tiêu dùng lựa chọn bạn chứ không lựa chọn đối thủ của bạn, và họ sẽ nói với những người khác cũng lựa chọn bạn. Nó là giá trị cốt lõi của việc bạn làm, bạn là ai, bạn đại diện cho cái gì, là nền tảng vững chắc để phát triển doanh nghiệp, để biết mình đứng ở đâu và có chức năng thế nào.
Đầu tư thời gian xây dựng và bảo vệ danh tiếng là startup đang giúp chính công ty mình có được những nguồn đầu tư, nền tảng vững chắc, xây dựng hồ sơ marketing nhanh chóng hơn.
Xây dựng danh tiếng là một sự tích lũy lâu dài. Việc có được danh tiếng không phải như cuộc đua, bạn bắt đầu chạy và khi đến đích rồi thì bạn tự nhủ với mình rằng: “À tôi có được danh tiếng rồi, tôi sẽ dừng lại và tập trung sang cái khác”.
Tạo dựng danh tiếng là cả một quá trình liên tục. Bạn luôn phải đầu tư vào tạo dựng và củng cố danh tiếng của mình. Tất cả những gì bạn làm, những lựa chọn bạn đưa ra đều sẽ liên quan đến danh tiếng của bạn.
Theo bà Amy Kunrojpanya – chuyên gia truyền thông và chính sách Uber, xây dựng danh tiếng tốt giúp các startup giảm thiểu rủi ro đến từ các khủng hoảng truyền thông trong tương lai, thu hút vốn đầu tư và tuyển dụng người tài Ảnh: UberEXCHANGE
Danh tiếng tốt giúp thu hút vốn đầu tư, nhân tài và giảm thiểu rủi ro
Ở giai đoạn đầu khởi nghiệp, startup nào không đầu tư cho danh tiếng rất dễ gặp thất bại trong kêu gọi vốn. Danh tiếng đôi khi lại là thứ quyết định giúp các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm rót vốn.
Việc tuyển dụng cũng là một ví dụ chính xác cho những lợi ích mà danh tiếng mang lại. Danh tiếng sẽ không chỉ giúp bạn lôi kéo được những người đó, mà nó còn giúp lại giữ họ lại với công ty.
Con người đôi khi dám liều lĩnh đánh cược bản thân mình vào những startup không phải chỉ bởi vì những cơ hội mà nó mang lại, mà chính là vì danh tiếng của nó. Chính danh tiếng đã mang lại cho họ cảm giác rằng họ có thể là một phần của một cái gì đó rất to lớn và có ý nghĩa.
Khi doanh nghiệp gặp khủng hoảng, bạn cần những người hỗ trợ và tin tưởng bạn nói rằng: “Tôi biết người đó, tôi biết người sáng lập và tôi không tin đó là sự thật. Nếu họ thực sự đã làm sai, hẳn đó không phải là cố ý và tôi vẫn sẵn lòng đứng về phía họ”.
Vì vậy, nếu không có uy tín hay danh tiếng, các startup, doanh nghiệp sẽ dễ dàng bị tấn công và loại bỏ hơn. Chúng ta đang sống trong thế giới mà uy tín và danh tiếng đôi khi là điều duy nhất có thể bảo vệ ta khỏi những trường hợp như vậy.
Dù khá giống nhau, danh tiếng vẫn không phải là thương hiệu
Mọi người thường nhầm lẫn giữa thương hiệu và danh tiếng. Hai thuật ngữ này khác nhau và mặc dù có thể bổ sung ý nghĩa cho nhau, chúng vẫn không phải là một.
Nếu thương hiệu chỉ là câu chuyện về sản phẩm của công ty bạn, thì danh tiếng còn bao gồm cả đội ngũ đã làm ra sản phẩm và dịch vụ đó, về động lực, mục đích và mong muốn của cả nhóm.
Danh tiếng không chỉ đơn thuần là số tiền mà công ty có thể kiếm được mà nó còn là tín dụng của công ty (hoặc có thể hiểu là mức độ tín nhiệm của công ty). Thương hiệu có thể phát triển nhưng đồng thời nó cũng có thể bị phá huỷ nhanh chóng nếu công ty không có danh tiếng vững chắc.
Để xây dựng danh tiếng vững mạnh thì các startup sẽ không được phép chỉ dừng lại ở việc phát triển sản phẩm, mà phải làm thế nào để khách hàng hiểu được rằng sản phẩm của bạn có ý nghĩa gì, phải biết được bạn là ai.
Đặt mục tiêu cho việc xây dựng danh tiếng
Đầu tiên, nếu bạn là chủ doanh nghiệp, người sáng tạo hay nhà đầu tư, bạn cần đặt mục tiêu cho doanh nghiệp của mình. Ví dụ: Nếu bạn bắt đầu khởi nghiệp hôm nay, trong 3 tháng tới, bạn muốn mọi người nghĩ gì về doanh nghiệp khởi nghiệp của bạn? Bạn muốn được biết tới như thế nào trong một năm tới?
Bạn phải đặt ra mục tiêu hoặc bạn sẽ không đo được tiến độ cho việc phát triển uy tín của mình. Đây là điều mà mọi doanh nghiệp làm để họ có thể tập trung thực hiện, không chỉ trong hiện tại mà còn cả tương lai.
Câu chuyện từ người sáng lập là chìa khóa dẫn đến danh tiếng
Mỗi startup cần tập trung vào nhà sáng lập của mình bởi đây là nguồn cảm hứng đối với công chúng. Câu chuyện của các CEO cùng những kinh nghiệm cuộc sống, động cơ thúc đẩy họ phát minh ra các công nghệ mới, tìm ra giải pháp cho những vấn đề khó khăn… là những điều giúp cho mọi người hiểu startup đó là gì, đại diện cho điều gì.
Mỗi startup cần xây dựng tiếng nói cho mình, nhất là với cộng đồng và những người quan trọng với bạn, từ nhà đầu tư, người tiêu dùng, đối tác, nhà báo hay mạng xã hội…
Do đó, nếu muốn tập trung phát triển công ty, trau dồi kinh nghiệm và tìm kiếm động lực, mỗi startup cần phải biết cách lan truyền những câu chuyện của mình, về nhà sáng lập, về những khát vọng, ước mơ và hoài bão.
Phương Nguyên – Vnexpress.net