Làn sóng người trẻ Hàn Quốc đổ về nông thôn đang giúp hồi sinh những nông trang già cỗi.
Một năm trước, Jeon Joo-young là một nhà thiết kế đồ họa tự do. Công việc khiến Joo-young chôn chân cả ngày trong văn phòng cao tầng ở thành phố Gwanggyo, cách thủ đô Seoul khoảng 25 km về hướng nam. Thường xuyên ăn tối muộn và thức đêm làm việc cho kịp tiến độ các dự án, cô gái 25 tuổi có ngày chỉ ngủ hai tiếng. Joo-young cảm thấy kiệt sức.
Giờ đây, một ngày làm việc của Joo-young đã hoàn toàn khác. Khi mặt trời rọi những tia nắng đầu tiên xuống cánh đồng và trên con đường đất, gió cuốn bụi bay lên từng đợt, cô gái với dáng người bé nhỏ ngồi xổm cặm cụi kiểm tra từng luống cải bó xôi trong khu nhà kính.
Hồi đầu năm, Joo-young quyết định từ bỏ cuộc sống thành thị và về quê làm nông trên trang trại trồng rau của cha mẹ ở tỉnh Gyeonggi, cách Seoul khoảng 50 km về hướng nam, Today đưa tin.
“Trước kia, tôi chỉ quan tâm xem mình có thể kiếm được bao nhiêu tiền. Môi trường sống biến tôi thành một kẻ tôn thờ chủ nghĩa vật chất. Tôi không có thời gian để nghĩ tới những điều khác trong cuộc sống”, Joo-young tâm sự.
“Nhưng bây giờ, tôi bắt đầu làm việc khi mặt trời mọc và nghỉ ngơi khi mặt trời lặn”, cô nhớ lại những đêm thức trắng làm việc trước kia đã hủy hoại sức khỏe và tinh thần của cô đến mức độ nào. “Chất lượng cuộc sống của tôi giờ đây tốt hơn nhiều. Cảm giác như thể tôi vừa tìm lại được chính mình vậy”.
Ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc như Joo-young bỏ chốn phồn hoa đô hội và chuyển về nông thôn yên bình. Không chỉ bị hấp dẫn bởi nhịp sống chậm ở miền quê, họ còn nhìn thấy tiềm năng phát triển đầy hứa hẹn của lĩnh vực nông nghiệp. Làm nông giờ đây không còn là công việc “độc quyền” của người già.
Xu hướng di cư ngược
Trong thập niên 70 và 80 của thế kỷ trước, công nghiệp hóa ở Hàn Quốc tạo ra làn sóng di cư từ nông thôn ra thành thị. Người dân ở các vùng quê đổ xô ra thành phố lớn, hầu hết tập trung tại thủ đô Seoul, để tìm cơ hội học hành và làm việc tốt hơn.
Tuy nhiên, xu hướng di cư ngược đang trỗi dậy những năm gần đây nhen nhóm bởi những người trong độ tuổi về hưu muốn rời xa sự xô bồ của thành phố và tìm về không khí bình yên ở miền quê. Giờ đây, cả người trẻ cũng tham gia vào đoàn người di cư ngược.
Theo số liệu của cục thống kê Hàn Quốc, năm ngoái, gần 500.000 người đã chuyển từ thành phố về nông thôn sống. Và một nửa dân số mới ở khu vực nông thôn là người trẻ dưới 30 tuổi, trong số đó một nửa chọn nghề nông làm kế sinh nhai.
Choi Jeung-hun, từng làm đến chức quản lý nhân sự tại Seoul với mức lương 3 triệu won mỗi tháng (gần 2.800 USD), cao hơn mức thu nhập trung bình của người lao động Hàn Quốc là 2,2 triệu won. Tháng 12 năm ngoái, chàng thanh niên 29 tuổi quyết định từ bỏ tất cả để chuyển hẳn về thị trấn Anseong, tỉnh Gyeonggi. Ban đầu, cuộc sống ở nông thôn không dễ dàng như Jeung-hun tưởng. Khó khăn lớn nhất là phải đối mặt với định kiến rằng những người trẻ về quê sống chắc hẳn là những kẻ thất bại.
“Khi những người về hưu chuyển từ thành phố về vùng quê, người ta nghĩ chắc họ đã sống hết mình. Còn khi thanh niên chúng tôi làm như vậy, người ta cho rằng chúng tôi có vấn đề”, Jeung-hun tâm sự.
Jeung-hun rời bỏ thành phố vì mệt mỏi với công việc văn phòng nhàm chán và áp lực cấp bậc nhưng nhiều người dân ở thị trấn Anseong lại tin rằng lý do là vì anh không học hành tử tế hoặc không thể tìm được việc làm ở thành thị. Jeung-hun mất rất nhiều thời gian và cả công sức để lấy được lòng tin của những người nông dân ở đây.
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng
Những nông dân trẻ Hàn Quốc tham dự một buổi thuyết trình về nông nghiệp Hà Lan tại Seoul. Ảnh: Twitter.
Các viện nông nghiệp và các trường đại học cho biết ngày càng đông thanh niên ghi danh tham gia các khóa học liên quan đến nghề nông. Anh Lee Seung-hun, quản lý học vụ của viện nông nghiệp tỉnh Gyeonggi, cho biết năm nay 1/4 trong tổng số 300 học viên ở độ tuổi 20 và 30.
Viện đào tạo này thậm chí còn thiết kế các khóa học mới nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế. Tháng 4 vừa qua, viện Gyeonggi khai giảng một khóa học kéo dài 6 tháng dành cho học viên dưới 39 tuổi đang có kế hoạch tiếp quản nông trang của gia đình. Trong khóa học này, học viên được tiếp cận với những kiến thức mới nhất trong lĩnh vực nông nghiệp như quản trị doanh nghiệp, tiếp thị, thuế và luật đất đai, hay lập chiến lược tiếp quản và kế thừa nông trại của gia đình.
Tuổi trung bình của nông dân Hàn Quốc hiện là 65. Các chuyên gia nhận định làn sóng những người trẻ đổ về nông thôn sẽ giúp hồi sinh những nông trang đang già cỗi theo thời gian.
Khác với thế hệ nông dân trước kia chỉ tập trung sản xuất nông sản thô, những người nông dân trẻ chú trọng khâu chế biến để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, phát triển kênh phân phối và bán hàng, thậm chí kết hợp dịch vụ du lịch với nông nghiệp.
“Thanh niên cạnh tranh hơn. Họ cố gắng thay đổi cách làm nông truyền thống”, anh Lee Seung-hun tại viện nông nghiệp tỉnh Gyeonggi nhận xét.
Kể từ khi tiếp quản nông trang trồng cải bó xôi của gia đình, Jeon Joo-young dùng cải bó xôi làm nguyên liệu sản xuất bánh gạo, chế biến mứt và trà túi lọc có hương cải và mật ong.
“Bố mẹ tôi không bao giờ có thời gian để làm ra những sản phẩm như thế này vì công việc hàng ngày của họ đã tốn quá nhiều công sức. Họ chỉ bán cải bó xôi mà việc đó thì không sinh lợi”, Joo-young cho biết cô đã xây dựng thương hiệu riêng cho nông trang của gia đình. Những nỗ lực của Joo-young có hiệu quả ngay tức thì. Lợi nhuận của nông trang năm nay dự đoán sẽ tăng 33% so với năm ngoái lên 100 triệu won (hơn 90.000 USD).
Cách nông trại nhà Jeon không xa là trang trại trồng dâu với tấm pano quảng cáo hình chàng nông dân 22 tuổi Kang Byeong-gu cười rất tươi. Byeong-gu quyết định bỏ sự nghiệp thể thao ở thành phố và về quê giúp bố mẹ trồng dâu. Nhờ tour du lịch trải nghiệm hái dâu và làm các món tráng miệng từ dâu do Byeong-gu sáng tạo ra, lợi nhuận của nông trang đã tăng 30% lên 50 triệu won trong năm nay.
“Tôi từng nghĩ làm nông là công việc lạc hậu. Nhưng người trẻ có thể mang tới những ý tưởng mới mẻ. Bố mẹ tôi không quen dùng mạng xã hội và blog để quảng cáo, trong khi tôi lại rất thạo việc đó”, Byeong-gu nói.
Đôi vợ chồng mới cưới Kim Han-sol, 26 tuổi, và Han Na-ra, 22 tuổi, không do dự từ bỏ công việc ở tập đoàn lớn để về nông thôn làm nông. Hiện họ sống ở một nông trang trồng lúa và sản xuất bánh gạo truyền thống ở tỉnh Nam Chungcheong, cách Seoul khoảng 200 km.
“Tôi nhận ra tôi sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống của một doanh nhân. Thế giới kinh doanh với đủ thứ chính trị. Bạn sẽ không phải đau đầu vì những thứ như thế khi làm nông”, anh Han-sol nói.
Với đôi vợ chồng trẻ này, chuyển về nông thôn là bước nhảy lớn ở lòng tin. Đó là việc đánh đổi cuộc sống đầy đủ vật chất để lấy một cuộc sống đơn giản hơn.
“Như là một chuyến phiêu lưu mới vậy. Chúng tôi có thể thành công hoặc cũng có thể thất bại. Nhưng với chúng tôi, đây là cuộc sống đơn giản và chân chất. Bạn gieo hạt, bạn sẽ được thu hoạch”.
Theo VnExpress