Ông Đỗ Hoài Nam, founder Emotiv Systems và UP Coworking Space đã chỉ ra 3 điều các startup không nên làm nếu muốn gọi vốn thành công.
Ông Đỗ Hoài Nam nói rằng trước đây nhiều founder khi đến gặp ông chia sẻ đã yêu cầu ký cam kết bảo mật (NDA- non disclosed agereement) vì sợ mất ý tưởng.
“Thường các bạn nghĩ ý tưởng của mình độc đáo, nhưng ở vị trí những người đầu tư như chúng tôi, mỗi ngày có hàng chục cái ý tưởng gửi đến, khó có cái nào độc lắm. Có người đi đầu tư 10 năm may ra mới thấy 1 cái đột phá”, ông Nam nói.
Nguyên tắc chung của các nhà đầu tư, theo CEO Đỗ Hoài Nam là không bao giờ ký NDA. Bởi lẽ số lượng startup có chung ý tưởng là rất nhiều. Do đó, nếu ký NDA với một ai trong số đó và đầu tư cho người khác thì nhà đầu tư có thể bị kiện.
“Việc đòi hỏi ký NDA cho thấy một founder hoàn toàn chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu câu chuyện đầu tư là gì”, ông Nam nhấn mạnh.
Điểm thứ 2, ông Nam nói mình cũng sẽ không đầu tư vào những startup mà khi thuyết phục thì cho biết họ dồn toàn bộ tiền bạc vào công ty.
“Các bạn nghĩ bản thân đổ tiền vào sẽ khiến nhà đầu tư yên tâm nhưng thực sự là ngược lại. Con người luôn chọn phương án tốt nhất cho mình. Việc các bạn bỏ tiền vào thì đó có thể là cái tốt nhất cho bạn nhưng không hẳn cho nhà đầu tư”, ông Nam phân tích. “Việc của các bạn là phải khiến cho nhà đầu tư thấy đấy là cơ hội tốt cho họ”, ông nói thêm.
Cụ thể, thay vì chứng minh cho nhà đầu tư thấy mình đã bỏ ra bao nhiêu tiền thì các startup nên để cho họ nhìn thấy đã có bao nhiêu nhà đầu tư đã đầu tư vào cho mình, đầu ra của sản phẩm, tài chính công ty như thế nào.
“Tuyệt nhiên không nên bán nhà, xe cộ hay vay mượn để khởi nghiệp, quan trọng là tìm người khác tin vào mình. Còn nếu không được thì đấy cũng là bài học để xem lại sản phẩm, giải pháp của mình có thực sự hấp dẫn không”, ông nhấn mạnh.
Điểm thứ ba, CEO Đỗ Hoài Nam nhận xét, các founder không nên giữ thái độ hằn học khi bị phản bác về công ty. Bởi về căn bản, nhiệm vụ của nhà đầu tư là phản biện còn việc của founder là thuyết phục chứ không phải gân cổ lên cãi khi bị từ chối.
“Việc của các bạn là tìm những người tin mình chứ không phải là cố gắng thuyết phục người không tin. Bất kể ý tưởng gì cũng có người tin, bạn nên đi tìm những người đó”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông Đỗ Hoài Nam từng khởi nghiệp thành công tại Australia và Mỹ. Khi về nước, ông tham gia tích cực các hoạt động hỗ trợ phong trào startup tại Việt Nam. Ông Nam là nhà đầu tư thiên thần cho một số dự án khởi nghiệp như Kitfe, Abivin, PixBox, Kleii… Ông Nam cũng là nhà đồng sáng lập không gian làm việc chung UP Co-working Space.
Sau 20 năm gia công cho Ý, Nhật, anh thợ miền Tây này quyết tâm khởi nghiệp CNES: Bán giày 4 triệu cho người Việt không hề đắt, vì cái chúng tôi cạnh tranh là chất lượng
Theo Đức Minh – Trí Thức Trẻ