Lê Thị An Hạ tạo khu nội trú giúp sinh viên yếu tiếng Anh và thiếu kỹ năng làm việc được rèn luyện, đạt IETLS 5.0 sau một năm.
Tốt nghiệp khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, An Hạ quyết làm dự án phi lợi nhuận giúp sinh viên trau dồi tiếng Anh, khi nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa thất nghiệp, lương thấp bởi yếu tiếng Anh, thiếu kinh nghiệm. Từng trợ giảng tại các trung tâm Anh ngữ lớn lúc còn là sinh viên năm nhất, công tác và làm tình nguyện tại Mỹ, nhận học bổng tham gia giao lưu trao đổi tại Anh… giúp cô tự tin hơn với dự án của mình.
9x thuê lại một tầng trong căn nhà làm phòng học và câu lạc bộ tiếng Anh, ưu tiên sinh viên đến từ tỉnh lẻ, không có điều kiện học tại trung tâm ngoại ngữ. Cô vẫn duy trì công việc bán thời gian cho trung tâm Anh ngữ tại Phillippines để có chi phí trang trải dự án.
Sau gần một năm hoạt động, nhận thấy nhu cầu cần có môi trường thực hành liên tục, An Hạ thuê toàn bộ ngôi nhà để xây dựng mô hình nội trú tiếng Anh. Cơ sở tại đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh ra đời vào tháng 8/2015. Số tiền dự kiến 150 triệu do An Hạ góp vốn với bạn và vay mượn thêm. Thế nhưng đến lúc triển khai thì đội lên 300 triệu, gồm tiền thuê nhà, sửa sang lại các phòng và mua thêm vật dụng.
“Mới bắt tay vào làm nên không biết quản lý thu chi gì cả, thành ra nợ nần chồng chất. Cũng may bố mẹ thương nên cho vay mượn thêm, dù lúc đầu phản đối vì sợ mình không có công việc ổn định”, An Hạ nói.
Lê Thị An Hạ (giữa), sáng lập dự án Amazing Home trong buổi talkshow chia sẻ kỹ năng làm việc và giao lưu quốc tế cho các bạn sinh viên nội trú. Ảnh: NVCC.
Dự án cung cấp chỗ ở cho các bạn trẻ theo dạng ký túc xá với điều kiện phải nói tiếng Anh hoàn toàn. Phòng lưu trú nam nữ riêng, khu vực bếp, phòng sinh hoạt và phòng tự học chung. Không chỉ có người hướng dẫn, hỗ trợ thiết kế chương trình học phù hợp với khả năng từng người, các bạn còn ở chung với tình nguyện viên nước ngoài. Chương trình đảm bảo đạt IELTS 5.0 sau một năm. Tiền nội trú dành cho sinh viên năm nhất và năm hai mỗi tháng chỉ 1,2 triệu đồng, năm 3 và 4 là 1,5 triệu đồng, người đi làm sẽ đóng 2 triệu đồng.
“Chi phí nội trú chỉ đủ trả tiền thuê nhà mỗi tháng 11 triệu, cùng điện nước, nên không có lãi. Nhưng lúc đó xác định là dự án phi lợi nhuận nên mình chưa đặt nặng về vấn đề tài chính”, Hạ chia sẻ.
Chương trình rèn luyện cả kỹ năng mềm. Mỗi tháng, An Hạ cùng nhóm đưa ra chủ đề như Quản lý thời gian, Xây dựng mạng lưới quan hệ… Từng bạn luân phiên nhau làm trưởng nhóm tổ chức chương trình, liên hệ mời các anh chị làm trong các tập đoàn lớn hay người từng đạt học bổng du học để chia sẻ kinh nghiệm. Nhóm của An Hạ hỗ trợ các bạn thực hiện và giao bài tập thực hành sau khi buổi huấn luyện kết thúc.
9x còn tổ chức các chuyến đi đến nhiều nước Đông Nam Á cho những ai có nhu cầu, nhưng chi phí do các bạn tự chủ. Chương trình không hề “dọn sẵn” mà buộc sinh viên phải làm việc nhóm qua những thử thách, đưa các bạn vào tình huống giao tiếp thực tế, giao lưu học thuật với sinh viên bản địa.
“Mình muốn trang bị cho sinh viên những điều mà các bạn ấy thiếu như tiếng Anh và kỹ năng mềm, nhưng càng làm càng thấy thiếu”, An Hạ nhớ lại.
Nhiều đêm cô mất ngủ vì ý tưởng đến dồn dập, muốn làm thêm nhiều hoạt động nữa vì chưa thấy đủ, sức khỏe giảm sút bởi khối lượng công việc khổng lồ. Một mình cô tự lên ý tưởng, quản lý tài chính, đào tạo nhân sự… đồng thời vẫn duy trì việc làm bán thời gian.
Bỏ tâm sức vào dự án, An Hạ ngỡ ngàng khi nhiều bạn không thể theo đuổi chương trình. Không ít bạn sau một thời gian để bản thân mình cuốn theo các thú vui mới, khu nội trú với nhiều quy định phải tuân thủ cũng khiến cảm thấy gò bó.
“Đôi khi sinh viên không thực sự biết mình muốn và làm gì sau này”, An Hạ trầm ngâm.
Nhiều học viên bỏ cuộc trước hạn. Những người bạn trong đội ngũ sát cánh cùng cô cũng dần rời bỏ. Đó là quãng thời gian An Hạ cảm thấy mệt mỏi, muốn buông xuôi.
Rồi cô nhận ra, sinh viên không chỉ cần tiếng Anh và kinh nghiệm truyền miệng mà cần sớm định hướng nghề nghiệp và có môi trường trải nghiệm các công việc thực tế như làm dự án như thế nào, cách gây quỹ, tổ chức và điều hành…. Từ đó, chính các bạn mới nhận ra mình còn thiếu kỹ năng gì để quyết tâm rèn luyện.
Không bỏ cuộc, cô lại tiếp tục tìm nhân sự đồng hành cùng mình thực hiện ý tưởng dự án mở rộng.
Khu vực tự học tại mô hình tiếng Anh nội trú Amazing Home, nơi các bạn sinh viên có thể luyện tập tiếng Anh theo nhóm. Ảnh: NVCC.
Cuối năm 2016, nhìn thấy sự phát triển của mô hình đào tạo nội trú, học viện PINES International Academy tại Philippines – nơi Hạ có vai trò hỗ trợ kết nối tại Việt Nam đã ngỏ ý đầu tư vào dự án. Lúc đầu, cô từ chối bởi xác định đây là dự án phi lợi nhuận, nếu nhận tiền sẽ phải thay đổi chiến lược phát triển. Thế nhưng, nhân sự đông hơn, đứng trước yêu cầu phải thay đổi nếu muốn bứt phá, Hạ quyết định chuyển dự án sang hình thức thương mại.
“Khi mình nhận thấy hướng đi đã rõ ràng và có những thành quả ban đầu, lúc đó mới quyết định nhận đầu tư”, Hạ phân tích.
Số tiền 50.000 USD (hơn 1,1 tỷ đồng) từ đối tác đủ để mở cơ sở 2 tại Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh vào tháng 8/2017. Hai hướng mở rộng thêm là chương trình đào tạo kỹ năng làm việc Amazing Me và học tiếng Anh có người hướng dẫn Amazing School, song song với duy trì mô hình nội trú Amazing Home, để đào tạo ra những công dân toàn cầu.
Với Amazing Me, sinh viên được hướng dẫn các kỹ năng quản lý tài chính, lên kế hoạch làm việc qua quá trình tham gia những cuộc thi về dự án cộng đồng, đại diện giao lưu quốc tế, thực tập nước ngoài. Đầu vào của chương trình đòi hỏi IETLS 6.0 trở lên.
Chương trình học tiếng Anh Amazing School có mô hình học 1:1 với giáo viên nước ngoài hay học nhóm 3 người, học kèm với giáo viên hướng dẫn, tham gia hoạt động ngoại khóa tiếng Anh. Lịch học sắp xếp phù hợp với thời gian biểu và khả năng của từng học viên. Chi phí từ 3,5 đến 7 triệu đồng cho mỗi khóa. Hiện chương trình có 4 giáo viên chính thức, trong đó có giáo viên Philippines theo chương trình liên kết với nhà đầu tư. Hạ vừa làm việc vừa đứng lớp để nắm chất lượng, theo sát tình hình và cải tiến phương pháp dạy.
An Hạ (giữa) cùng các thành viên điều phối dự án được mời làm đại biểu tham dự Hội nghị giới trẻ toàn cầu 2017 tại Hawaii, Mỹ, giao lưu với bạn trẻ quốc tế. Ảnh: NVCC.
“Khởi nghiệp phải chấp nhận việc nhân sự có biến động, nhưng mình tin những kỹ năng mà họ có được từ dự án sẽ mang lợi ích lâu dài. Đội ngũ trẻ, làm việc tận tình và tin tưởng vào mục đích của dự án luôn là động lực vực mình dậy sau mỗi lần muốn bỏ cuộc”, nữ CEO trẻ tuổi tươi cười nói.
Hướng phát triển của dự án sắp tới sẽ lấy chi phí, lợi nhuận từ việc chuyển nhượng mô hình và hỗ trợ quản lý. Dự kiến An Hạ và đối tác sẽ đưa mô hình nội trú tiếng Anh ra các tỉnh thành, đối tượng là học sinh cấp 3 để tạo hiệu quả nhanh hơn, tạo ra hệ sinh thái giáo dục, gồm chỗ ở, rèn luyện tiếng Anh và kỹ năng làm việc… hướng bạn trẻ đến hình mẫu công dân toàn cầu có bản sắc.
Với An Hạ, công dân toàn cầu phải có khả năng làm việc, học tập với nước ngoài ở bất cứ môi trường nào, nhưng không quên gốc gác, biết phát huy giá trị riêng của bản thân. UNESSCO cũng đã có chương trình này và Hạ muốn đem một phần vào dự án của mình để giúp các bạn tiếp cận sớm hơn.
Theo VnExpress