Đã có nhiều bạn trẻ tại Việt Nam tham gia khởi nghiệp, rất nhiều các start-up, công ty trẻ được ra đời từ phong trào cách mạng công nghiệp 4.0.
Xu hướng khởi nghiệp là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm công nghệ sáng tạo đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội. Tại Việt Nam, đã có rất nhiều các start-up, công ty trẻ được ra đời từ phong trào khởi nghiệp này. Số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy hằng năm có hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời tại Việt Nam. Những doanh nghiệp khởi nghiệp này đã tạo ra một động lực, sức sống mới trong sự phát triển của nền kinh tế.
Nằm trong chuỗi chương trình giao lưu với cộng đồng khởi nghiệp, sau Hà Nội, workshop: “Cách mạng công nghiệp 4.0 – Cơ hội nào cho Startup?” được Ban tổ chức Giải thưởng Nhân tài Đất Việt lựa chọn điểm tới tiếp theo là TP.HCM – địa phương được đánh giá đi đầu trong cả nước về phong trào khởi nghiệp. Các mô hình khởi nghiệp, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đang diễn ra rất phong phú dưới nhiều hình thức, thu hút được sự quan tâm của nhiều tổ chức, cá nhân, đặc biệt là sự tham gia của các thanh niên, sinh viên tạo thành phong trào khởi nghiệp. Thông qua các Trung tâm Ươm tạo của TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ và phát triển nhiều công ty khởi nghiệp đi vào hoạt động. Nhiều nhóm sinh viên, doanh nghiệp đã trưởng thành và thương mại hóa các sản phẩm từ các hoạt động ươm tạo tại vườn ươm thuộc Khu công nghệ phần mềm – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Vườn ươm Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh…
Toàn cảnh sự kiện
Phát biểu tại workshop, đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT tin tưởng với những thành tựu mà các thí sinh Thành phố Hồ Chí Minh đạt được, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2017 sẽ tiếp tục vinh danh thêm nhiều đại diện tiêu biểu nữa. “Để bắt kịp xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, VNPT đang không ngừng phát triển các sản phẩm dịch vụ dựa trên các công nghệ mới với hạ tầng thông minh, kết nối thông minh và dịch vụ thông minh. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những thành tựu này với các startup, doanh nghiệp khởi nghiệp đang trên còn đường phát triển phía trước” – ông Đỗ Vũ Anh, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT cho hay.
Cùng quan điểm đó, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Tổng biên tập Báo Dân trí cho biết, 12 năm qua đã phát hiện và tôn vinh hàng trăm nhân tài trong các lĩnh vực: Công nghệ Thông tin, Khoa học ứng dụng, Y dược, Môi trường. Suốt chặng đường hơn 1 thập kỷ của giải thưởng, có rất nhiều bạn trẻ đã tham gia dự thi, với hàng ngàn sản phẩm, ý tưởng khác nhau. Không sản phẩm nào giống sản phẩm nào nhưng tất cả đều mang một điểm chung là hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn, xã hội tốt đẹp, văn minh hơn. Dù đạt giải cao hay thấp hoặc thậm chí không đạt giải, mỗi người đều rút ra được những bài học và nhận được sự hỗ trợ từ ban tổ chức, hội đồng giám khảo cũng như cộng đồng thí sinh Nhân tài đất Việt, để từ đó mỗi người có hướng đi riêng.
Tuy nhiên, “Có nên bỏ đại học để đi làm startup?”. PGS.TS Mai Thanh Phong – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Có nhiều bạn trẻ từng hỏi tôi như vậy. Nhiều bạn cũng dẫn chứng là nhiều người không cần học đại học nhưng khởi nghiệp rất thành công, thậm chí còn trở thành tỷ phú… Tôi cũng chỉ biết khuyên các bạn là hãy nhìn lại xem có bao nhiêu người thành công từ việc bỏ học ra ngoài làm startup. Việc học là cả đời, bạn có thể lựa chọn học ở trên giảng đường hoặc đi thẳng vào thực tế để tiếp nhận kiến thức”.
PGS.TS Mai Thanh Phong
Trả lời câu hỏi xoay quanh khả năng hỗ trợ startup trong thương mại hóa các sản phẩm đạt giải thưởng Nhân tài Đất Việt, cũng như tính tương thích về nền tảng mà các sản phẩm dự thi tham gia, ông Nguyễn Văn Tấn – Phó Tổng Giám đốc VNPT-Media khẳng định, tập đoàn Bưu chính Viễn thông – VNPT với quy mô vốn hàng ngàn tỷ đồng hoàn toàn đủ sức “truyền lửa và tiếp năng lượng” cho những dự án khởi nghiệp mang tính khả thi cao, đặc biệt là những giải pháp tham dự cuộc thi Nhân tài Đất Việt lần thứ 13.
Nhiều chuyên gia nhận định, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra cơ hội công bằng cho tất cả, ngay cả các doanh nghiệp vừa, nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp cũng có thể đón được làn sóng nếu có sự chuẩn bị kỹ càng và sẵn sàng đón nhận các cơ hội. Theo các số liệu dự báo, đến năm 2020, toàn thế giới sẽ có 4 tỷ người và 20 tỷ thiết bị kết nối với nhau bằng Internet kết nối vạn vật (IoT). Thị trường này sẽ tạo ra 1,9 nghìn tỷ USD doanh thu, với hơn 25 triệu ứng dụng. Trong khi đó, thị trường trí tuệ nhân tạo sẽ đạt tới 5,05 tỷ USD vào năm 2020. Máy tính đã và đang tham gia vào quá trình quản lý sản xuất, điều hành với tốc độ chưa từng thấy trước đây.
Điều này cho thấy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng, tác động đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, phong trào khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ thông tin đang phát triển vô cùng mạnh mẽ tại Việt Nam, giành được sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành cũng như toàn thể cộng đồng. Xu hướng khởi nghiệp cũng là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển các sản phẩm công nghệ sáng tạo đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội.
Theo Vtv.vn