Bùng nổ mô hình co-working

Sự lớn mạnh không ngừng của văn phòng chia sẻ (co-working) được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ đến thị trường văn phòng truyền thống trong tương lai.

Co-working đang khiến nhiều văn phòng truyền thống phải “linh hoạt” hơn trong kiến tạo không gian

Bùng nổ mạnh mẽ

Năm 2018 đươc coi là năm bùng nổ của co-working. Từ đầu năm đến nay, nhiều đơn vị trong và ngoài nước đã tham gia phát triển phân khúc này. Riêng ở khối ngoại, nhiều tên tuổi lớn như WeWork (Mỹ), Ceo Suit (Hàn Quốc), JustCo (Singapore)… cũng đã góp mặt tại Việt Nam.

Nghiên cứu của CBRE Việt Nam cho thấy tốc độ tăng trưởng của co-working hiện đạt khoảng 58%. Nếu giữa năm 2017, Việt Nam mới có khoảng 17 đơn vị kinh doanh co-working với 22 điểm, tổng diện tích đạt 14.500m2 thì tới quý I/2018, số đơn vị kinh doanh đã lên tới 40 với 50 điểm, tổng diện tích đạt 30.000m2.

Đáng chú ý, một số công ty, tập đoàn lớn thay vì chọn thuê văn phòng truyền thống, đã chọn thuê dạng văn phòng chia sẻ co-working cho kế hoạch văn phòng lâu dài. Một số cái tên tiêu biểu cho sự chuyển hướng này có thể kể đến như: Teko, Innovatube, Framgia. Theo số liệu của Savills, trong quý III/2018, văn phòng chia sẻ, văn phòng dịch vụ Hà Nội có 30 – 40 dự án. Đây là con số ấn tượng về sự tăng trưởng của co-working.

So với hình thức thuê văn phòng truyền thống, điểm nổi bật của không gian làm việc chung (co-working) chính là chi phí. Thay vì phải đóng một khoản tiền thuê lớn theo quý, theo năm cộng thêm chi phí dịch vụ… hàng tháng, người thuê chỉ cần bỏ ra 1 khoản tiền trọn gói đã bao gồm điện, nước, internet, lễ tân, văn phòng phẩm, trà và cà phê, phí gửi xe…  Tùy theo nhu cầu, người thuê có thể lựa chọn các gói thanh toán theo ngày, tháng hoặc năm.

Mức giá từ 6-15 triệu đồng/tháng là số tiền mà những công ty có quy mô nhỏ bỏ ra để có thể thuê văn phòng co-working trọn gói. Đối với các cá nhân, mức giá thấp nhất vào khoảng 100.000đồng/người/ngày, 1,5-2 triệu đồng/người/tháng. Đây là chi phí khá phù hợp với những người mới khởi nghiệp hay có nhu cầu di chuyển nhiều. Những ưu điểm trên của co-working khiến phân khúc này hấp lực mạnh nhu cầu của khách thuê.

Co-working tác động như thế nào đến văn phòng truyền thống?

Vậy sự lớn mạnh không ngừng của co-working thời gian qua sẽ tác động như thế nào đến sự phát triển của thị trường văn phòng truyền thống? Trao đổi về vấn đề này, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills Hà Nội cho biết, văn phòng chia sẻ thực ra đáp ứng nhu cầu của phân khúc khách hàng mà văn phòng truyền thống đang thiếu.

Trên thực tế, văn phòng truyền thống không có diện tích nhỏ. Đó là lí do nhiều năm trước, khách hàng không biết tìm thuê văn phòng diện tích nhỏ ở đâu mà phải chọn thuê chung cư. Tuy nhiên, chung cư không phải địa điểm lý tưởng để làm văn phòng. Vì thế, sự ra đời của co-working đã giải bài toán về nhu cầu văn phòng diện tích nhỏ. Co-working là không gian mở, gia tăng tính sáng tạo và sự giao lưu (net working) với các đối tác cho người làm việc.

Trên thực tế, co-working đang khiến nhiều văn phòng truyền thống cũng phải “linh hoạt” hơn trong kiến tạo không gian. Tại phía Tây Hà Nội, nhiều văn phòng truyền thống đã tính đến việc tối ưu hóa không gian. Bên cạnh không gian làm việc, các không gian giải trí, thư giãn, sinh hoạt chung như góc thiền, yoga, các khu function cũng được thiết lập. Thậm chí, trong cùng một tòa nhà có sự tích hợp của cả văn phòng truyền thống và co-working nhằm đa dạng phân khúc, đáp ứng mọi đối tương khách thuê.

Tuy nhiên, với doanh nghiệp lớn, văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng. Sự tiện lợi của co-working vấp phải nhiều hạn chế trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Trong khi đó, mô hình văn phòng truyền thống lại đáp ứng được điều này. Do đó, theo bà Hằng, hai mô hình văn phòng này không có sự mâu thuẫn, mà là sự đáp ứng những nhu cầu riêng của thị trường.

Phó Giám đốc Savills Hà Nội nhận định, co-working sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai. Cơ sở của điều này là số lượng doanh nghiệp được thành lập mới mỗi năm ở Việt Nam tăng mạnh. Theo Tổng cục thống kê, trong suốt 15 năm qua, số doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97% số doanh nghiệp thành lập ở Việt Nam và sử dụng khoảng 50% lực lượng lao động. Riêng nửa đầu năm 2018, đã có 64.531 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,3%.

Bà Hằng nhấn mạnh, rất nhiều doanh nghiệp cần không gian hiện đại, đáp ứng được chất lượng như kì vọng nhưng không phải bỏ tiền đầu tư và được linh hoạt trong thanh toán. Về những điểm này thì co-working là lựa chọn khả dĩ nhất.

Theo enternews.vn