Một loạt cam kết cụ thể vừa được Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định nhằm giúp môi trường khởi nghiệp tại TP HCM không thua kém gì Singapore.
“Thành phố cam kết chuẩn bị một khu công nghiệp dành riêng cho các doanh nghiệp mới thành lập, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Thứ hai, chúng tôi cam kết thủ tục thành lập doanh nghiệp mới tại TP HCM sẽ thuận lợi không thua kém gì Singapore. Thứ ba, bên cạnh các đầu tư của tư nhân, thành phố cũng sẽ tùy từng trường hợp mà tiến hành thí điểm hợp tác công – tư trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định trong buổi gặp gỡ với cộng đồng khởi nghiệp Thành phố nhân một năm triển Chương trình hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Saigon Innovation Hub – Sihub) tối 7/9.
Ngoài ba cam kết trên, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TP HCM sẽ có một trang tin chung để phản ánh hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại trên địa bàn. Đồng thời, ông quyết định gặp gỡ trực tiếp với cộng đồng Startup một năm hai lần nhằm lắng nghe tâm tư và kịp thời tháo gỡ các khó khăn.
*Hai trong số các cam kết hỗ trợ nổi bật của TP HCM dành cho startup
Trước đó, tại buổi làm việc với Sở Khoa học & Công nghệ cùng lãnh đạo một số sở – ngành, vườn ươm doanh nghiệp và trường đại học chiều 7/9, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhận định, hiện giới trẻ đang có ba xu hướng lập nghiệp.
Thứ nhất là những người khởi nghiệp mà không sáng tạo. Đây là những người lập nghiệp dựa trên những cách làm truyền thống, cha mẹ làm sao thì mình làm vậy. Thứ hai là những người sáng tạo mà không khởi nghiệp. Họ có thể là nhà nghiên cứu rất giỏi nhưng lại không bán được sản phẩm trí tuệ của mình.
Trong khi đó, xu hướng thứ ba là khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo. Đây là những người vừa biết phát huy chất xám, vừa năng động tìm kiếm được thị trường để bán được chất xám của mình. Theo ông Nhân, xu hướng thứ ba đang là hướng đi rất quan trọng mà các trường đại học phải có vai trò phát hiện, đào tạo nguồn nhân tài để họ có thể khởi nghiệp thành công và bền vững.
Hiện nay, cùng với các trường đại học, các lực lượng nòng cốt của hoạt động khởi nghiệp sáng tạo TP HCM như Đoàn thanh niên, Sở Khoa học & Công nghệ, Khu công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung… có liên kết nhưng được đánh giá là chưa chặt chẽ và cần cải thiện.
Tuy nhiên, trên bình diện chung, trong một năm qua, TP HCM đã có những kết quả rất cụ thể và đáng kể so với các địa phương khác về hoạt động khởi nghiệp. Ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ cho biết cơ quan này đã thành lập 5 không gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và kết nối với 24 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp với tổng mặt bằng trên 22.000 m2. Trong đó, 50% vốn từ xã hội hóa.
Chương trình SpeedUp 2017 đã cung cấp công cụ hỗ trợ tài chính từ ngân sách cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp. Trong 8 tháng qua, chương trình này đã tiếp nhận và giải quyết 112 hồ sơ dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Số dự án được tuyển chọn đạt tỷ lệ 14/112 (12,5%), khá cao so với tỷ lệ tuyển chọn dự án của các quỹ đầu tư hiện nay (VIISA đạt 5%, VSVA đạt 8%).
Trong năm nay, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cũng mới thành lập 4 Ban điều hành Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho 4 lĩnh vực trọng điểm của Thành phố gồm cơ khí, chế biến lương thực – thực phẩm, nhựa – cao su – hóa và công nghệ thông tin.
Với mạng lưới 145 chuyên gia tư vấn, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau, đến nay, 938 dự án khởi nghiệp đã được tư vấn kết nối để giúp phát triển ý tưởng kinh doanh. Có 3.200 cá nhân và nhóm khởi nghiệp được kết nối với nhà đầu tư, chuyên gia và tổ chức tư vấn. Trên 300 sản phẩm khởi nghiệp được quảng bá cho cộng đồng.
Tuy nhiên, đánh giá chung từ Sở Khoa học & Công nghệ Thành phố, đa số các startup tại Việt Nam được đầu tư mới ở giai đoạn hạt giống (seed stage), quy mô nhỏ, khả năng tăng trưởng đột phá không cao. Đây là một vấn đề cần quan tâm.
Viễn Thông – Vnexpress.net